Chứng Khoán 23/12/2014 14:51

Sẽ có cơ chế kiểm soát vốn từ ngân hàng sang TTCK

UBCK sẽ rà soát, điều chỉnh và có cơ chế kiểm soát vốn từ NH sang TTCK để đảm bảo an toàn hệ thống, hạn chế sở hữu chéo giữa các định chế ngân hàng và chứng khoán, bảo hiểm.

Uỷ ban Chứng khoán cho biết, trong năm 2014, mặc dù xem kẽ trong năm 2014 có những yếu tố vĩ mô bất lợi ảnh hưởng đến sự phát triển của TTCK như tình hình Biển Đông, giá dầu quốc tế giảm mạnh và một số điều chỉnh của chính sách tiền tệ, tuy nhiên thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được một số kết quả trong năm 2014 với một số điểm nổi bật.

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2014 có diễn biến rất khả quan xét về các phương diện tốc độ tăng chỉ số, mức độ ổn định, khối lượng giao dịch và phản ánh khá rõ nét những chuyển biến tích cực trong nền kinh tế. Thị trường phát triển theo chiều hướng tăng trưởng, mặc dù xen kẽ những khoảng điều chỉnh giảm.

 Chỉ số VN-Index đã lập đỉnh tại mức điểm 640,75 (ngày 3/9) sau gần 6 năm đạt được, trong khi chỉ số HNX-Index cũng đã lập đỉnh tại mức điểm 92,99 (ngày 24/3) sau đúng 3 năm. Tính đến ngày 08/12/2014, chỉ số VN-Index đạt 571,68 điểm tăng 13,3% so với cuối năm 2013, còn chỉ số HNX-Index đạt 87,17 điểm tăng 28,5% so với cuối năm 2013.

Tính đến ngày 08/12/2014, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 1.164 nghìn tỷ đồng, tăng 90% so với năm 2013; giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 5.448 tỷ đồng, trong đó giá trị giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ bình quân mỗi phiên đạt 2.971 tỷ đồng, cao gấp 2,2 lần so với năm 2013.

Tính đến ngày 08/12/2014, toàn bộ thị trường đã có 1.240 loại chứng khoán niêm yết, trong đó bao gồm 671 doanh nghiệp niêm yết, 1 chứng chỉ quỹ đóng niêm yết, 01 chứng chỉ quỹ ETF và 567 trái phiếu niêm yết. Tổng giá trị niêm yết cổ phiếu, chứng chỉ quỹ là 425 nghìn tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2013; trong đó giá trị niêm yết trên SGDCK Tp.Hồ Chí Minh chiếm 78,19%. Mức vốn hóa thị trường tính đến ngày 8/12/2014 đạt khoảng 1.156 nghìn tỷ đồng, tăng 21,77% so với năm 2013 và tương đương 32,24% GDP.

Tổng giá trị huy động vốn qua TTCK năm 2014 ước đạt 237 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2013 và đóng góp 27,1% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trong đó tổng giá trị huy động qua phát hành Trái phiếu Chính phủ ước đạt 214 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 90% tổng giá trị vốn huy động và gần tương đương với mức huy động vốn kỷ lục trong năm 2013.

Việc tái cấu trúc tổ chức kinh doanh chứng khoán dựa trên các chỉ tiêu an toàn tài chính để tiến hành rà soát, đánh giá phân loại CTCK, trên cơ sở đó tiến hành xử lý theo hướng hợp nhất, sáp nhập, giải thể CTCK. 

Tính đến tháng 09/2014 đã có 20 CTCK chấm dứt và đình chỉ hoạt động, giải thể, hợp nhất, giảm số CTCK thua lỗ từ 60% xuống còn dưới 20%. Ngoài ra, UBCK cũng đã thực hiện đánh giá, xếp loại các CTCK dựa trên quy chế CAMEL. Theo đó, đã phân loại các CTCK thành các nhóm A, B, C, D, E để từ đó có phương án theo dõi, xử lý đối với từng nhóm và tiến hành kiểm tra đối với các CTCK nằm trong nhóm D, E để tiếp tục tái cấu trúc trong thời gian tới.

Để thúc đẩy thị trường chứng khoán tiếp tục nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường chứng khoán thông qua việc: Xây dựng cơ chế phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá; Giám sát xử lý các doanh nghiệp chào bán cổ phiếu ra công chúng không đưa cổ phiếu vào giao dịch trong vòng 01 năm; ...

Đồng thời, kích cầu và khơi thông dòng vốn trên cơ sở nâng tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng tại các DN niêm yết có sở hữu nhà nước; Rà soát, điều chỉnh và có cơ chế kiểm soát vốn từ NH sang TTCK để đảm bảo an toàn hệ thống, hạn chế sở hữu chéo giữa các định chế ngân hàng và CK, bảo hiểm, đặc biệt trong mô hình mẹ - con; góp phần thúc đẩy tái cấu trúc và tăng vốn NHTM; Phát triển các định chế đầu tư chuyên nghiệp và xây dựng các quy định về xếp hạng tín nhiệm, thiết lập tổ chức định mức tín nhiệm của Việt Nam...

Ủy ban Chứng khoán cũng tiếp tục thực hiện hợp nhất, giải thể, phá sản các CtCK yếu kém, thua lỗ dựa trên nền tảng các chỉ tiêu an toàn tài chính; Cho phép tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài mua để sở hữu đến 100% công ty chứng khoán trong nước; Hợp nhất các Sở giao dịch Chứng khoán và phát triển, phân định các khu vực thị trường...

Phương Dung

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *