Bất động sản 06/12/2013 18:35

Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Năm 2017 sẽ có ngân hàng tiết kiệm nhà ở

FICA - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, mô hình tiết kiệm nhà ở này sẽ được đưa ngay vào dự thảo luật nhà ở sửa đổi, luật kinh doanh bất động sản để trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp đầu tiên của năm 2014.

Sáng 6/12, Bộ Xây dựng đã phối hợp với ngân hàng tiết kiệm nhà ở Bausparkasse Schwäbisch Hall (Đức) tổ chức hội thảo về mô hình tiết kiệm nhà ở.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, quan điểm của Bộ Xây dựng là ngoài hệ thống tín dụng thương mại hiện nay thì Luật nhà ở (sửa đổi) cần phải có quy định để hình thành thêm định chế tài chính mới vừa để đa dạng hoát các kênh huy động vốn, vừa để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi của người dân cho phát triển nhà ở.

Trong đó, đặc biệt là mô hình Ngân hàng tiết kiệm nhà ở - một tổ chức tài chính chuyên nhận tiền gửi và cho vay trong lĩnh vực nhà ở. Mô hình này là 1 trong 3 mô hình quỹ tiết kiệm nhà ở đang được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Đức, Séc và nhiều nước châu Âu khác.

"Sự ra đời của mô hình Ngân hàng tiết kiệm nhà ở vừa huy động được nguồn tiền nhàn rỗi của người dân để phục vụ cho phát triển nhà ở, vừa là kênh khuyến khích người dân tiết kiệm tiền, tích cực và trách nhiệm hơn với vấn đề nhà ở của bản thân", Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng cho biết, mô hình tiết kiệm nhà ở này sẽ được đưa ngay vào dự thảo luật nhà ở sửa đổi, luật kinh doanh bất động sản để trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp đầu tiên của năm 2014. Nếu được thông qua, dự kiến mô hình ngân hàng tiết kiệm nhà ở sẽ được triển khai vào năm 2017.

Theo Thứ trưởng, thu nhập bình quân đầu người vào năm 2017 có thể tăng gấp đôi so với hiện tại (khoảng gần 2.000 USD) và đây chính là thời điểm thích hợp ngân hàng tiết kiệm đầu tiên có thể ra đời.

Về mô hình ngân hàng tiết kiệm nhà ở, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế Đức, đây là mô hình do người dân tự nguyên tham gia, tự nguyện đóng góp và xã hội hóa, nghĩa là thay vì sử dụng vốn chính sách, thì sử dụng vốn tư nhân và vốn nhàn rỗi của người dân.

Theo đó, nguyên tắc hoạt động của quỹ này tại Đức sẽ theo 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, người dân gửi tiết kiệm hàng tháng qua một thời gian đến khi họ đạt được 50% tổng giá trị căn hộ họ muốn mua. Giai đoạn thứ hai, khi đã tiết kiệm được một nửa giá trị căn hộ, người gửi được phép vay nửa còn lại với lãi suất thấp để đủ mua căn hộ họ mong ước, thời gian còn lại họ sẽ dần dần trả lại khoản vay cho Ngân hàng Tiết kiệm nhà ở.

Phương Dung

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *