Quốc tế 06/12/2013 17:46

Kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi, Eurozone mất đà

Đà phục hồi của kinh tế toàn cầu đang tiếp tục, với kinh tế Mỹ phát đi những tín hiệu tích cực và đà tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc vẫn vững. Tuy vậy, kinh tế Khu vực đồng euro (Eurozone) đang có dấu hiệu mất đà.

Tại Mỹ, trong tháng 10/2013, doanh số bán nhà mới cho các hộ gia đình đơn thân đã tăng mức kỷ lục trong hơn ba thập niên. Trong tháng 11/2013, số việc làm mới trong lĩnh vực tư nhân cũng tăng ở mức cao nhất trong một năm. Lĩnh vực dịch vụ của nước này cũng mở rộng trong tháng trước, dù với tốc độ chậm hơn.

Những thông tin tích cực của kinh tế Mỹ đang làm dấy lên lo ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED, Ngân hàng trung ương nước này) sẽ giảm bớt quy mô của chương trình nới lỏng định lượng (QE3).

Theo thống kê của ADP, trong tháng trước, lĩnh vực tư nhân Mỹ đã tạo mới được 215.000 việc làm, cao hơn so với ước tính 173.000 việc làm của các nhà phân tích trước đó.

Công ty Markit cũng cho biết Chỉ số quản lý sức mua (PMI) của Mỹ đã tăng từ 49,6 (điểm) trong tháng 10/2013 lên 56,2 trong tháng 11/2013.

Trong khi đó, Viện Quản lý Nguồn cung cho hay chỉ số trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ giảm tương ứng từ 55,4 xuống 53,9 trong tháng Mười.

Một số liệu lạc quan khác là lĩnh vực xuất khẩu của Mỹ chạm mức cao kỷ lục trong tháng 10/2013. Nhà kinh tế trưởng John Ryding, tại RDQ Economics, nhận định thông tin này là dấu hiệu cho thấy lĩnh vực chế tạo của Mỹ và nhu cầu toàn cầu đều tăng.

Tại Trung Quốc, chỉ số PMI do HSBC/Markit công bố đứng ở mức không đổi 52,5 trong tháng 11/2013. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang lấy lại đà tăng trưởng, sau khi tăng trưởng chậm lại vào giữa năm.

Các thông tin kinh tế tích cực sẽ thúc đẩy Bắc Kinh tiến hành kế hoạch tham vọng của chính phủ nhằm gia tăng tiêu dùng nội địa, để thay đổi động lực tăng trưởng truyền thống là xuất khẩu và đầu tư.

Ngược với Mỹ, đà phục hồi của kinh tế Eurozone sẽ mất đà, với nước Pháp có khả năng rơi vào suy thoái. Cơ quan thống kê Eurostat đã thông báo điều chỉnh lần hai về nhịp độ tăng trưởng trong quý 3/2013 ở mức không đổi 0,1%.

Trong quý 2/2013, Eurozone đã thoái khỏi đợt suy thoái kéo dài 18 tháng, với mức tăng trưởng 0,3%.

Nhà phân tích Matteo Caminetta, thuộc HSBC, nhận định đà phục hồi của kinh tế Eurozone vẫn phụ thuộc vào thương mại toàn cầu.

Trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu đình trệ trong quý 3/2013, GDP của Eurozone cũng bị ảnh hưởng. Xuất khẩu của Eurozone đã giảm từ mức tăng 2,1% trong quý 2/2013 xuống còn 0,2% trong quý 3/2013, trong khi nhập khẩu tăng 1% trong quý 3/2013.

Nhà kinh tế James Howat, thuộc Capital Economics, đánh giá với nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu, hoạt động thương mại đang gây sức ép lên tăng trưởng.

Markit cho biết PMI trong tháng 11/2013 của Eurozone đã giảm xuống 51,7, so với mức 51,9 trong tháng 10/2013; trong đó, PMI của Đức là 55,4, mức cao nhất trong 29 tháng, của Ireland cũng tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng; còn của Italy là 48,8, mức thấp nhất trong 5 tháng và của Pháp là 48, mức thấp nhất trong 5 tháng.

Theo nhà kinh tế trưởng tại Markit, Chris Williamson, chỉ số PMI cho thấy đà phục hồi của Eurozone mất đà trong tháng 11/2013. Riêng Pháp, nước này có nhiều khả năng rơi vào suy thoái, còn kinh tế Italy sẽ tiếp tục suy thoái quý thứ 10 liên tiếp.

Dự kiến, kinh tế khu vực này sẽ tăng trưởng 0,2% trong quý 4/2013.

Theo Trà My

TTXVN

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *