Quốc tế 06/12/2013 07:25

Chứng khoán Mỹ, giá vàng cùng giảm do lo ngại Fed cắt giảm QE3

FICA - Chứng khoán Mỹ tiếp tục đi xuống trước những số liệu cho thấy kinh tế phục hồi tăng đặt cược cho Cục dự trữ Liên bang (Fed) sẽ cắt giảm nới lỏng tiền tệ sớm hơn dự kiến.



Kết thúc phiên giao dịch 5/12, cả 3 chỉ số chính của phố Wall đều giảm. Dow Jones giảm 0,4%, S&P 500 cũng giảm 0,4% và Nasdaq giảm 0,1%. Như vậy S&P 500 đã có 5 phiên giảm liên tiếp với tổng mức giảm là 1,2% chốt phiên tại mức thấp nhất 2 tuần. Khối lượng cổ phiếu giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ hôm qua đạt 6,1 tỷ cổ phiếu, tương đương với mức trung bình 3 tháng.

Tuy nhiên, kể từ đầu năm đến nay, chứng khoán Mỹ tăng trưởng mạnh, chỉ số S&P 500 tăng vọt 25%, ghi nhận năm tăng điểm mạnh nhất thập kỷ. Nguyên nhân do Fed trì hoãn kế hoạch cắt giảm chương trình nới lỏng tiền tệ cộng với lợi nhuận của các doanh nghiệp vượt kỳ vọng. Fed đã từng tuyên bố cơ quan này sẽ chỉ bắt đầu cắt giảm kích thích khi nền kinh tế phục hồi như dự báo.

Số liệu mới nhất cho biết kinh tế Mỹ quý III tăng trưởng mạnh, chủ yếu nhờ lượng hàng tích trữ. GDP quý III tăng 3,6% so với năm ngoái, cao hơn ước tính ban đầu là 2,8% và ghi nhận quý tăng trưởng mạnh nhất kể từ quý I/2012. Một báo cáo khác cho biết số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần qua giảm xuống còn 298.000 đơn, trong khi các chuyên gia trong khảo sát của Bloomberg trước đó dự báo số lượng này tăng lên 320.000 đơn.

Các số liệu kinh tế quan trọng này cho thấy nền kinh tế Mỹ đã sẵn sàng cho bất cứ động thái cắt giảm kích thích nào từ Fed. Đây là nguyên nhân chính khiến giá cổ phiếu liên tục giảm những phiên gần đây.

Trong khi đó, tại châu Âu, chủ tịch ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi vừa từ chối giới thiệu thêm gói kích thích kinh tế. Điều này nằm ngoài kỳ vọng của giới đầu tư, khiến euro tăng vọt so với USD lên cao nhất 5 tuần, chứng khoán giảm điểm.

Nguyên nhân do ông Draghi lo ngại rủi ro lạm phát đối với các quốc gia khu vực đồng tiền chung này. Theo dự báo của ECB, GDP châu Âu sẽ giảm 0,4% trong năm nay, trước khi tăng tưởng 1,1% năm 2014 và 1,5% năm 2015. Tuy nhiên, lạm phát trung bình năm nay sẽ rơi vào khoảng 1,4% và giảm dần còn 1,1% năm 2014 và 1,3% năm 2015.

Giá vàng quay đầu giảm trở lại trước những lo ngại cắt giảm kích thích kinh tế từ Fed, làm giảm nhu cầu kim loại quý như một tài sản an toàn. Giá vàng giao kỳ hạn tháng 2/2014 tại sàn Comex, New York giảm 1,2% chốt phiên tại 1.231,9 USD/oz. Trước đó, trong phiên có lúc giá giảm tới hơn 2,5%. Trên sàn Kitco, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc 6h50 sáng nay đứng tại 1.244,3 USD/oz.

Giá vàng giao ngay trên sàn Kitco lúc 6h50 sáng nay (đường màu xanh lá cây)



Giải thích nguyên nhân vàng giảm giá ông Phik Streible, nhà môi giới hàng hóa cấp cao tại R.J.O'Brien&Associates cho biết vấn đề của Mỹ đang được giới đầu tư theo dõi sát sao, và việc cắt giảm kích thích rõ ràng trở thành đương nhiên. Đồng USD mất giá so với euro có thể là nguyên nhân chính cho giá vàng đi xuống hôm nay.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) vừa quyết định giữ nguyên mức hạn ngạch sản xuất 30 triệu thùng dầu/ngày bất chấp những lo ngại thừa cung trên thị trường với nguồn cung dồi dào từ Mỹ. OPEC nhận định rằng nhu cầu tiêu thụ dầu trên thế giới vẫn chưa thể quá yếu khiến tổ chức này phải cắt giảm sản lượng đồng thời giá dầu Brent vẫn sẽ vượt 100 USD/thùng cho đến quý IV năm sau.

Thông tin này đẩy giá dầu Brent, sản phẩm chủ yếu của OPEC giảm hơn 1% phiên hôm qua xuống 111,46 USD/thùng, tuy nhiên đến chốt phiên tăng nhẹ lên 111,88 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ lại tăng 57 cent lên 97,77 USD/thùng tại sàn Nymex, New York. Chênh lệch giá 2 loại dầu này thu hẹp xuống thấp nhất 2 tuần.

 

Phương Linh

Theo Bloomberg

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *