Chính sách 12/06/2019 16:28

Chủ đầu tư được sử dụng kinh phí bảo trì sẽ gây xung đột lợi ích với cư dân

Hiệp hội Bất động sản TP. HCM vừa có văn bản phản đối Bộ Xây Dựng về đề xuất của Bộ này cho chủ đầu tư được quyền tự quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư. Hiệp hội này khẳng định, việc này có thể dẫn đến xung đột lợi ích giữa chủ đầu tư với chủ sở hữu chung cư.

Cụ thể, HoREA cho rằng: việc Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở đẻ bổ sung mô hình quản lý, vận hành nhà chung cư, đó là: Mô hình chủ đầu tư tự quản lý, vận hành hoặc giao cho các đơn vị quản lý, vận hành chuyên nghiệp nhà chung cư.

HoREA cho rằng, mô hình chủ đầu tư tự quản lý, vận hành không cần thiết vì đã được quy định trong Luật Nhà ở rồi. 

Tranh chấp quỹ bảo trì chung cư và những ồn ào việc quản lý quỹ này

đang diễn ra gay gắt ở nhiều nơi

Chính vì thế, không cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở để bổ sung mô hình chủ đầu tư tự thực hiện quản lý, vận hành nhà chung cư, vì nếu làm như vậy sẽ vi phạm nguyên tắc dân chủ cơ sở, có thể dẫn đến xung đột lợi ích giữa chủ đầu tư và các chủ sở hữu chung cư. 

Theo HoREA, vấn đề cần đặt ra là khâu thực thi pháp luật nhà ở và chủ đầu tư tham gia ứng tuyển làm đơn vị quản lý, vận hành nhà chung cư, để Hội nghị nhà chung cư xem xét lựa chọn.

Về đề xuất giao cho các đơn vị quản lý, vận hành chuyên nghiệp nhà chung cư. Đại diện HoREA cho rằng: Mô hình giao cho các đơn vị quản lý, vận hành chuyên nghiệp nhà chung cư đã được quy định tại Khoản (1.a) Điều 105 Luật Nhà ở.

Theo đó, Luật quy định "đối với nhà chung cư có thang máy thì do đơn vị có chức năng, năng lực quản lý vận hành nhà chung cư thực hiện".

Cũng theo Khoản (3.d) Điều 102 Luật Nhà ở quy định, Hội nghị nhà chung cư "Quyết định lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư". 

Theo HoREA, vấn đề cần đặt ra là khâu thực thi pháp luật nhà ở, để Hội nghị nhà chung cư xem xét lựa chọn được đơn vị quản lý, vận hành nhà chung cư, có chức năng và có năng lực.

Bên cạnh đó, trong quá trình quản lý, vận hành nhà chung cư thời gian qua đã có xảy ra những sự cố nghiêm trọng như vụ cháy xảy ra tại chung cư Carina Plaza, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh, đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản. 

Hiệp hội nhận thấy rất cần thiết xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở theo hướng yêu cầu doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư phải chứng minh năng lực tài chính, để có thể thực hiện trách nhiệm bồi thường dân sự đối với bên thứ ba trong trường hợp xảy ra sự cố gây thiệt hại về người và tài sản. 

Hiệp hội HoREA cho biết kinh phí bảo trì nhà chung cư có giá trị rất lớn và là tài sản chung của các chủ sở hữu chung cư, tòa nhà 20 tầng thường có kinh phí bảo trì trên dưới 20 tỷ đồn. Đơn cử như chung cư Keangnam Hà Nội có kinh phí bảo trì lên đến hơn 160 tỷ đồng). Chính vì vậy, vừa qua, đã xuất hiện tranh chấp quỹ bảo trì chung cư tại nhiều dự án, chiếm khoảng 5% trong tổng số tranh chấp tại nhà chung cư. 

Trong đó, có tranh chấp về việc chủ đầu tư trì hoãn bàn giao, hoặc bàn giao không đầy đủ, hoặc không quyết toán minh bạch việc sử dụng quỹ bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư.

An Linh

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *