Tiền và Hàng 08/10/2014 10:38

Sợ doanh nghiệp ngoại chiếm lĩnh thị trường bán lẻ: “Lo bò trắng răng?”

FICA – Các doanh nghiệp trong nước vẫn đang “đi cả hai chân”, nghĩa là vừa chiếm lĩnh kênh bán lẻ truyền thống vừa đầu tư vào kênh bán lẻ hiện đại.

Năm 2020 Việt Nam sẽ có 1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại

Với 90 triệu dân cùng cơ cấu dân số trẻ, Việt Nam được biết đến như một thị trường giàu cơ hội và tiềm năng cho các nước. Điều đó được chứng minh qua sự góp mặt của các thương hiệu có tiếng trên thế giới như Big C của Tập đoàn phân phối bán lẻ Groupe Casino, Pháp, Parkson của Lion Group Malaysia, Metro & Carry của Đức, Loteria của Hàn Quốc hay Family Mart, Ministop của Nhật…

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, “miếng bánh” dành cho các doanh nghiệp nội trên thị trường bán lẻ vẫn còn rất nhiều, tập trung chính ở phân khúc bán lẻ truyền thống.

Theo đánh giá của ông Trần Nguyên Năm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tại một hội thảo về thị trường bán lẻ tổ chức gần đây, Việt Nam là một thị trường bán lẻ có nhiều tiềm năng và cơ hội.

Thời gian qua, kết cấu hạ tầng thương mại tiếp tục được nâng cấp, mở rộng và phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa. Chi phối thị trường bán lẻ hiện nay vẫn là các kênh phân phối truyền thống. Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2013, cả nước có 8.546 chợ các loại và khoảng 1 triệu cửa hàng quy mô nhỏ của các hộ gia đình.

Hiện tỷ trọng hàng hóa bán qua hệ thống thương mại hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích chiếm 25% tổng mức bán lẻ và chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo quy hoạch của Bộ Công Thương, lĩnh vực bán lẻ sẽ tăng trưởng bình quân 19-20%/năm trong giai đoạn 2011-2015 và 20-21%/năm từ năm 2016 đến năm 2020. Dự kiến, năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại.

Lãng quên thị trường nông thôn

Theo ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty thương mại Hà Nội Hapro, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp không chỉ quan tâm tới bán lẻ hiện đại mà cần quan tâm tới bán lẻ truyền thống. Thị trường bán lẻ rộng lớn và các mô hình nhỏ vẫn có thể tồn tại.

Các doanh nghiệp trong nước đang “đi cả hai chân”, nghĩa là vừa chiếm lĩnh kênh bán lẻ truyền thống vừa đầu tư vào kênh bán lẻ hiện đại.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, cuộc cạnh tranh trên thị trường bán lẻ của các doanh nghiệp mới chủ yếu trên lĩnh vực bán lẻ hiện đại. Hiện nay không một nhà bán lẻ nước ngoài nào quan tâm tới thị trường nông thôn và mô hình bán lẻ truyền thống.

“Theo các con số thống kê, mới có 25% bán lẻ hiện đại, còn lại là bán lẻ truyền thống và xu hướng này còn duy trì 5-10 năm nữa. Vì thế, cơ hội để doanh nghiệp bán lẻ trong nước phát triển vẫn còn rất lớn”, bà Loan cho biết.

Trước sự lo lắng về việc nhà đầu tư ngoại chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ khiến cho các doanh nghiệp nội lép vế, bà Loan cho rằng, đây là thông tin chưa chính xác. Thực tế chứng minh rất nhiều doanh nghiệp nội vẫn vươn lên và cạnh tranh tốt.

Kênh bán lẻ truyền thống nhiều năm nữa vẫn tồn tại và phát triển. Các doanh nghiệp trong nước đang “đi cả hai chân”, nghĩa là vừa chiếm lĩnh kênh bán lẻ truyền thống vừa đầu tư vào kênh bán lẻ hiện đại.

Bích Diệp

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *