Tiền và Hàng 09/04/2014 18:30

Dưa hấu ế và lời giải cho nỗi lo chu kỳ

Hiện tượng cứ đến vụ mùa thu hoạch rộ trái cây đặc sản nào đó thì lại xuất hiện tình trạng ách tắc tại các cửa khẩu, bị ép giá và đổ bỏ… xảy ra ngày càng nhiều.

Hàng nghìn xe dưa hấu ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) những ngày qua đã trở thành chủ đề được lãnh đạo Bộ Công Thương mổ xẻ trong phiên họp báo thường kỳ tháng 3, vừa diễn ra đầu tuần này. Dưa hấu ế, bị ép giá chỉ còn vài trăm đồng một cân nhưng vẫn khó xuất bán, nhiều xe hàng cầm chắc đổ bỏ, gây lỗ lớn cho bà con nông dân và tiểu thương, DN xuất khẩu. Tuy thế, đây chỉ là một điển hình xảy ra gần đây. Còn trước đó, nhiều vụ việc tương tự đã diễn ra với các nông sản khác.

 


Ảnh minh họa

 

Lý giải nguyên nhân khiến kịch bản luân phiên lặp lại với nhiều mặt hàng nông sản, mà lần này là dưa hấu, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, ngay từ khâu nuôi trồng của người nông dân và các DN đã xảy ra tình trạng manh mún, quy mô nhỏ lẻ, không có sự điều tiết tổng thể. Thực tế là khi nông dân thấy trồng dưa hấu tương đối dễ, cho thu hoạch tốt, các cơ quan chức năng mới đưa loại quả này vào danh mục hàng xuất khẩu. Đặc biệt sau mấy vụ vừa qua, thấy dưa hấu đưa sang Trung Quốc bán được giá tốt, nhiều nông hộ đã ồ ạt mở rộng thêm diện tích trồng loại quả này.

 

Sự phát triển tự phát của người trồng đem đến rủi ro cao về mất cân đối cung - cầu thị trường, mà hiện trạng hôm nay là điều tất yếu phải xảy ra. “Rõ nhất ở việc, bà con cứ nghe nói trên biên giới có giá tốt là thuê xe đưa lên, chưa cần biết hợp đồng ngoại, hay đối tác nước ngoài có ai mua hay không. Lên biên giới, đưa hàng qua cửa khẩu mới chào hàng, tìm khách mua, do đó bị ép giá”, ông Hải giải thích.

 

Còn nhớ tình huống tương tự đã từng xảy ra vào hồi giữa năm 2011 với mặt hàng vải thiều của Việt Nam xuất qua Trung Quốc theo đường cửa khẩu Lào Cai. Khi đó, giá vải thiều tại biên giới với Trung Quốc hạ thê thảm, xuống còn 5.000-6.000 đồng/kg. Hàng trăm xe vải thiều chờ đợi từ mờ sáng đến tận chiều tối để thông quan. Với những xe ít may mắn hơn, vải ứ đọng nhiều ngày bị hỏng, thối và bị vứt lại dọc đường.

 

Hiện tượng cứ đến vụ mùa thu hoạch rộ trái cây đặc sản nào đó thì lại xuất hiện tình trạng ách tắc tại các cửa khẩu, bị ép giá và đổ bỏ… xảy ra ngày càng nhiều. Theo một chuyên gia của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, nguyên nhân dễ thấy nhất là chúng ta đang thiếu quy hoạch đối với nhiều loại nông sản. Các sản phẩm này chủ yếu là hàng tươi sống, chưa qua chế biến và xuất khẩu chủ yếu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Vì vậy, khi đến mùa, nguồn cung luôn tăng đột biến gây ra hiện tượng ùn tắc tại cửa khẩu, còn nông dân thì bị ép giá. Trừ mặt hàng gạo đã có truyền thống xuất khẩu, các loại nông sản khác chưa được cơ quan quản lý nghiên cứu đầy đủ về sức tiêu thụ và thị trường tiềm năng.

 

Hiện mùa dưa hấu đã chuẩn bị kết thúc, chuyện những hàng dài xe chở dưa hấu dồn ứ ở cửa khẩu cũng không còn nữa. Tuy nhiên, không ai dám chắc hiện tượng này sẽ không xảy ra năm tới hay các năm sau, hoặc xảy ra ngay trong năm nay với các loại nông sản khác. Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này sẽ đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn bà con nông dân thực hiện các phương pháp nâng cao sức cạnh tranh của nông sản khi tìm đường xuất khẩu. Đơn cử như với riêng mặt hàng dưa hấu, hiện bà con chưa có thói quen phân loại tại ruộng, nên dưa vừa thu hoạch đã chất trực tiếp lên xe, chất lượng lẫn lộn. Trong khi thương nhân Trung Quốc chỉ mua dưa loại 1 và 2.

 

Do đó, Bộ Công Thương khuyến cáo, trong mùa sau, người trồng cần có sự phân loại ngay từ trong nước, tránh đưa cả dưa loại 3, phẩm chất kém sang chào hàng. Một lý do khác khiến việc thông quan bị chậm là phía Trung Quốc sau khi phân loại còn đưa sản phẩm vào bao bì, túi nylon… Vì vậy, bà con cũng cần tìm hiểu loại bao bì mà phía đối tác thu mua cần, cũng như quy cách đóng gói để thực hiện trước.

 

Nguyên nhân khác là chính sách quản lý thương mại biên giới ở phía Trung Quốc có đặc thù làm khó cho việc trao đổi hàng hóa giữa hai bên. Theo quy định, với một số mặt hàng cụ thể, thương nhân Trung Quốc chỉ được nhận tại các cửa khẩu nhất định. Với dưa hấu, việc giao thương chỉ được thực hiện ở cửa khẩu Tân Thanh khiến các xe vận chuyển buộc phải dồn lên đây. Trong khi đó, năng lực thông quan tại cửa khẩu này rất thấp (khoảng 300 xe/ngày) đã gây hiện tượng ùn tắc.

 

Đại diện Bộ Công Thương trấn an, sắp tới bộ sẽ làm việc với phía Trung Quốc để đề xuất các chính sách thương mại biên giới phù hợp, hỗ trợ thực hiện thủ tục thông quan tại cửa khẩu thuận tiện cho cả hai bên. Trong trung và dài hạn, ông Trần Thanh Hải cho rằng, Việt Nam phải đầu tư về kho bãi ở các khu vực cửa khẩu để làm nơi trung chuyển nông sản và các mặt hàng khác; xây dựng trung tâm thu mua và phân phối nông sản với điều kiện bảo quản tốt, có kho lạnh như một số quốc gia đã làm. Về vốn đầu tư cho các dự án này, Bộ Công Thương chủ trương khuyến khích xã hội hóa, thay vì sử dụng toàn bộ ngân sách Nhà nước để đầu tư các mô hình này.

 

Theo Khanh Ngọc

Thời báo ngân hàng

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *