Tiền và Hàng 20/06/2014 16:20

ĐBSCL: Chục kg thanh long không mua nổi bát phở

FICA - Vào vụ tại ĐBSCL, nhiều loại trái cây như thanh long, chôm chôm và nhiều trái cây đặc sản được chất đống ngoài lề đường bán với giá rất rẻ.

Khốn đốn vì điệp khúc "được mùa - mất giá"
 
Gần 1 tháng nay, khi vùng trồng thanh long ở Long An, Tiền Giang, Trà Vinh vào mùa thu hoạch rộ thì giá đột ngột giảm mạnh.
 
Trước đây thanh long ruột trắng giá hơn 30.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ có thời diểm lên tới 70.000 đồng/kg thì nay giảm hơn 90%. Giá thanh long ruột đỏ được thương lái mua tại vườn từ 6.000 đến 7.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng 2.000 đồng/kg. Thậm chí thanh long dạt, bị sâu không ai mua nên nông dân đành đổ bỏ.
 
Với giá như hiện nay nông dân thua lỗ nặng vì bán hơn chục kg thanh long chưa mua được bát phở trong khi đó chi phí phân bón, điện, thuốc rất cao.
 
Ông Huỳnh Văn Tây, xã Dương Xuân Hội (Châu Thành, Long An) - một trong những nông dân trồng thanh long hữu cơ xuất khẩu đầu tiên ở Long An cũng phải thở dài ngao ngán: “Tôi mới vừa thu hoạch thanh long ruột đỏ bán với giá 6.000 đồng/kg coi như trừ huề vốn tới lỗ. Trong khi đó nhiều nông dân xung quanh trồng thanh long ruột trắng bán chỉ có 2.000 đồng/kg thì lỗ nặng”.
 
Theo ông Tây, nguyên nhân thanh long rớt giá là do mấy năm nay vùng ĐBSCL nông dân ồ ạt mở rộng diện tích trồng thanh long nên tới mùa thu hoạch rộ rớt giá rát nhanh. Ngoài ra, gần đây thương lái Trung Quốc ít ăn hàng hơn vì trong vùng có nhiều loại trái cây vào mùa thu hoạch nên kéo theo giá giảm.
Thanh long tới tay người tiêu dùng giá chỉ 3.000 đồng/kg
Thanh long tới tay người tiêu dùng giá chỉ 3.000 đồng/kg
Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết: “Hiện tại toàn tỉnh nông dân trồng khoảng 4.500 ha thanh long. Do vào mùa thu hoạch rộ nên giá giảm mạnh”.
 
Không chỉ riêng vùng Long An mà hầu hết các địa phương khác mới phát triển thanh long như Tiền Giang, Trà Vinh đều gặp cảnh tương tự. Thanh long giá rẻ nên thương lái mua đem ra lề đường chất đống treo bảng bán với giá 10.000 đồng/3kg mà vẫn chịu cảnh ế vì thị trường trong nước tiêu thụ không bao nhiêu và ngay thời điểm nhiều loại trái cây khác trong vùng đang thu hoạch. Việc nông dân bỏ lúa trồng thanh long ở Tiền Giang, Long An trước đây được dự báo nhiều rủi ro, tuy nhiên do có thời điểm giá rất cao nên nông dân bất cấp tất cả ồ ạt trồng dẫn đến việc rớt giá mỗi khi vào mùa thu hoạch.

Trái cây đặc sản cũng chất đống đầy đường

 
Hiện tại vùng ĐBSCL trên 288.000 ha cây ăn trái các loại với sản lượng hơn 3,18 triệu tấn/năm, chiếm 35% về diện tích và 46% về sản lượng trái cây của cả nước. Trái cây ở ĐBSCL chỉ xuất khẩu khoảng 10%, còn lại chủ yếu là tiêu thụ ở thị trường trong nước nên vào màu thu hoạch rộ thường bị rớt giá, thậm chí là đối với trái cây đặc sản như măng cụt, chôm chôm, sầu riêng... Trong đó, măng cụt có giá thấp nhất từ trước tới nay.
 
Ông Nguyễn Văn Nuôi, ngụ xã Xuân Hòa (Kế Sách, Sóc Trăng) trồng 50 gốc măng cụt cho biết: “Đầu vụ giá măng cục khoảng 40.000 đồng/kg thì đến nay chỉ còn 13.000 đến 15.000 đồng/kg nên nhà vườn thất thu lớn”.
Trái cây đặc sản như sầu riêng cũng chịu cảnh rớt giá
Trái cây đặc sản như sầu riêng cũng chịu cảnh rớt giá
Ngoài ra, huyện Chợ Lách (Bến Tre) có 3.500 ha chôm chôm đang bắt đầu vào mùa thu hoạch rộ nên giá cũng chỉ vài ngàn đồng/kg. Cụ thể thương lái thu mua chôm chôm thường giá 6.000 đồng/kg, chôm chôm Thái 6.500 đồng/kg, chôm chôm nhãn 7.000 đồng/kg. Những ngày này đi dọc tuyến Quốc lộ 57 qua địa bàn “vương quốc” trái cây Chợ Lách sẽ thấy la liệt trái cây đặc sản nằm dọc bên lề đường với giá rẻ bất ngờ. Ở những nơi khác cũng trong tình cảnh tương tự vì đi đâu cũng thấy trái cây.
 
Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NNPTNT huyện Chợ Lách cho biết: “Năm nay trái cây trúng mùa và vào vụ thu hoạch rộ nên rớt giá mạnh. Trong đó chôm chôm, măng cụt giảm nhiều nhất. Tuy nhiên, giá giảm chỉ nhất thời khi thu hoạch rộ, trong thời gian tới giá sẽ bình ổn trở lại”.
 
Trong khi đó, mùa chôm chôm ở ĐBSCL cũng trùng vào mùa vải thiều ở các phái Bắc nên giá lại càng giảm khi chợ tràn ngập vải thiều, chôm chôm mỗi khi tới vụ thu hoạch rộ.
Chôm chôm cũng tràn ngập ngoài lề đường
Chôm chôm cũng tràn ngập ngoài lề đường
Lâu nay, ngành nông nghiệp, nhà vườn đã hướng tới việc sản xuất trái cây chất lượng để xuất khẩu nhưng số lượng còn quá ít. Theo thống kê toàn vùng ĐBSCL chỉ khoảng 10% diện tích cây ăn trái được chứng nhận GAP như: Bưởi da xanh, bưởi năm roi, chôm chôm, thanh long, cam sành….
 
Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu (Chợ Lách, Bến Tre) cho biết: “Trong thời gian qua công ty đã liên kết với tổ hợp tác nhãn VietGAP, tổ liên kết sản xuất chôm chôm theo tiêu chuẩn GlobalGAP… Tuy nhiên, sản lượng còn quá ít so với nhu cầu thực tế của đối tác nhập khẩu nên doanh nghiệp còn bị động trong việc ký hợp đồng xuất khẩu”. Vì vậy, rất nhiều loại trái cây đặc sản phải chịu cảnh chất đống ngoài lề đường khi vào mùa thu hoạch rộ.
 
Minh Giang
Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *