Tiền và Hàng 01/04/2014 16:26

ĐBSCL: Bắp cải đổ xuống sông, cho bò ăn vì ế ẩm

FICA - Đây là câu chuyện điển hình về tình hình tiêu thụ và giá nông sản ở ĐBSCL trong thời gian qua.

Bắp cải cho bò ăn, bỏ trôi sông

Thời gian gần đây ở các tỉnh ĐBSCL như An giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng… giá bắp cải đang xuống rất thấp, người nông dân lâm vào cảnh khốn đốn. Cụ thể, tại huyện Châu Thành (An Giang), giá bán bắp cải tại ruộng chỉ còn khoảng 1.000 đồng/kg.

Trao đổi với báo chí ông Lê Thành Tâm, Chánh Văn phòng UBND huyện Duyên Hải (Trà Vinh) cho biết, hiện nay giá bắp cải bán tại ruộng trên địa bàn huyện chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg. Với giá trên thì người nông dân không có lời. Giá thấp, các thương lái cũng không đến mua, còn người dân thì rầu vì không có tiền trả tiền phân, thuốc cho các đại lý và không có vốn để tái sản xuất vụ sau.

Ông Tâm cũng cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng 50ha diện tích trồng bắp cải, tập trung nhiều nhất ở xã Hiệp Thạnh và Ngũ Lạc. Về phía chính quyền địa phương, tới đây huyện Duyên Hải cũng sẽ có ý kiến lên các cơ quan cấp trên để có giải pháp hỗ trợ cho người dân.

Thanh long rớt giá diện tích trồng vẫn tăng ồ ạt?

Hiện tại, giá thanh long ruột đỏ giảm từ 70.000 đồng/kg xuống chỉ còn 28.000 đến 30.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng giảm từ 27.000 đồng/kg xuống chỉ còn 20.000 đồng/kg.

Ông Võ Chí Thiện, Giám đốc Hợp tác xã thanh long Mỹ Tịnh An (Mỹ Tịnh An, Chợ Gạo, Tiền Giang), cho biết: “Giá thanh long giảm mạnh chủ yếu do thị trường Trung Quốc hiện “ăn hàng” chậm. Vì vậy hiện tại không còn xảy ra tình trạng sốt giá như mấy tuần trước”.

Ở Tiền Giang diện tích trồng thanh long tăng nhanh khoảng vài năm trở lại đây, hiện tại tỉnh có 3.800 ha đất trồng thanh long, tập trung nhiều nhất ở huyện Chợ Gạo khoảng 3.500 ha, vượt khoảng 15% so với quy hoạch vùng trồng thanh long của huyện đến năm 2015; Gò Công Tây trong đề án đến 2015 có 160 ha nhưng đến nay đã mở rộng lên đến 170 ha; huyện Tân Phước không nằm trong đề án phát triển cây thanh long nhưng đến nay đã có 81ha, trong đó hơn 60 ha trồng mới trong năm nay.

Gia đình ông Lê Văn Lành, ấp Long Hiệp, xã Quơn Long quyết tâm chuyển đổi 3.000m2 đất lúa sang trồng thanh long với 400 cây. Cho ra trái quanh năm, trung bình một vụ thu hoạch đạt khoảng 2 tấn/1.000m2. Ông Lành còn cho biết: Giờ mà có bao nhiêu đất là tôi chuyển sang trồng thanh long hết, ở vùng này giờ không còn đất trồng lúa nữa...

Lãnh đạo Chi Cục Bảo vệ thực Vật Sở NN&PTNT Tiền Giang cho biết: Do đây là loại cây dễ trồng, trong khi cho giá trị kinh tế cao, giá thành tương đối ổn định. Nhiều năm qua, ở vùng này người dân đồn tai nhau thanh long là cây đổi đời. Chính vì vậy mà diện tích không ngừng tăng cao, nhiều vùng mới đang rục rịch chuyển đổi lúa sang trồng thanh long. Hiện chưa rõ thị trường tiêu thụ tới đây thế nào trong khi diện tích cứ tăng nhanh là điều rất đáng lo ngại…

Được biết, không riêng gì Tiền Giang, Long An cũng vậy, năm 2010, Long An chỉ có khoảng 1.000 ha đất trồng Thanh Long, đến thời điểm này đã tăng lên 2.700 ha, tập trung hầu hết ở huyện Châu Thành.

Dưa hấu “đắng”

Hơn 3.000m2 dưa gia đình chị Nguyễn Thị Tính cũng ở ấp Cồn Nhàn nói: “ Vụ dưa hấu này, còn khoảng 1 tháng nữa mới thu hoạch. Mùa này, cái nắng như thiêu như đốt nhưng người dân chúng tôi phải hết tưới nước cho dưa lại đến tỉa bớt trái kém chất lượng để dưa đủ sức nuôi các trái khác, nhưng bây giờ giá dưa thấp kiểu này, sao thấy đắng lòng quá”!

Khoảng đầu tháng 2 vừa qua, gia đình anh Nguyễn Văn Tám ở xã Dân Thành, huyện Duyên Hải tỉnh Trà Vinh vừa bán 3 tấn dưa mà chỉ thu về có 4,5 triệu đồng. Hiện còn hơn 1.000m2 dưa hấu chuẩn bị thu hoạch nhưng giá cứ rớt kiểu này thì còn khổ dài dài – Anh Tám buồn rầu nói.

Anh Tám cũng cho biết: Chưa tính tiền công, điện, nước, riêng tiền cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu, bình quân 1 công dưa hấu ngốn hết 4 triệu đồng. Trong khi thời gian từ lúc trồng đến khi thu hoạch mất khoảng 2 tháng, mà chỉ lời được 500.000 đồng, nhưng bây giá rớt thì lỗ là cái chắc.

Theo thống kê của phòng Nông nghiệp huyện Duyên Hải, diện tích trồng dưa hấu hiện nay của huyện 143,63ha, năng suất bình quân đạt 201,42 tạ/ha, sản lượng đạt 29077,6 tấn.

Anh Nguyễn Hữu Linh, cán bộ phòng Nông Nghiệp huyện Duyên Hải cho biết: Qua tìm hiểu các thương lái nguyên nhân dưa mất giá là do các tỉnh ngoài Miền trung thu hoạch rộ. Ngoài ra ở vùng này người dân trồng dưa đơn lẻ, cá thể, chưa có tính liên kết hỗ trợ và tìm kiếm hợp đồng bao tiêu sản phẩm, mặc dù dưa ở vùng này chất lượng rất tốt, nhưng thương hiệu không ai biết.

Giá dưa hấu rẽ không chỉ xảy ra ở Bến Tre mà những ngày này, dọc theo Quốc lộ 1A đi qua các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang số lượng người dân bày bán dưa dọc đường tăng đột biến, người dân muốn ghé mua khỏi cần trả giá vì đâu đâu cũng thấy treo bảng giá nơi thì 2.000 đồng/kg, có nơi giảm chỉ có 1.500 đồng/kg.

Dòng xoáy trúng mùa được giá rồi được giá lại mất mùa, suốt nhiều năm qua và xu hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang nóng lên ở ĐBSCL. Người nông dân nghe chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì mừng nhưng cũng chưa cất hết gánh nặng nổi lo.

Hoàng Tùng

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *