Yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn 1-1,5%/năm

FICA – Xác định nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, Chính phủ yêu cầu NHNN phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 1-1,5%/năm bằng biện pháp thị trường, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Điều hành tỷ giá phải hướng đến ổn định vĩ mô

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 3/2015, trong đó đánh giá, mặc dù đã đạt được những kết quả ấn tượng trong quý I, song tình hình kinh tế - xã hội vẫn gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, giá dầu thế giới giảm và khó dự báo, ảnh hưởng đến kế hoạch thu ngân sách và cán cân thương mại. Tăng trưởng khu vực dịch vụ và nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt thấp hơn cùng kỳ. Xuất khẩu tuy vẫn tăng trưởng nhưng tỷ lệ thấp hơn cùng kỳ các năm trước và thấp hơn chỉ tiêu đặt ra, dẫn đến nhập siêu.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành chưa đạt yêu cầu. Môi trường kinh doanh, sức cạnh tranh của nền kinh tế tuy có cải thiện nhưng còn thấp. Cải cách thủ tục hành chính chuyển biến nhưng chưa đồng bộ. Việc làm, thu nhập và đời sống một bộ phận dân cư vẫn khó khăn.

Trước tình hình này, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 1-1,5%/năm bằng biện pháp thị trường. Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, Nghị quyết Chính phủ cũng nêu rõ, việc điều hành tỷ giá phải hướng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, chú ý tác động của tỷ giá đến xuất khẩu, nhập khẩu, lạm phát, nợ công. Song song với đó, NHNN phải triển khai mạnh mẽ các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.

Theo dõi diễn biến giá cả, kiểm soát lạm phát

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì theo dõi sát tình hình kinh tế thế giới, kịp thời phân tích những tác động để có phản ứng chính sách hiệu quả. Nhiệm vụ của Bộ là phải thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực đầu tư trong xã hội; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA, FDI, PPP, trong đó chú trọng tháo gỡ khó khăn về vốn đối ứng. Chỉ đạo, đôn đốc việc nghiệm thu, hoàn tất các thủ tục để thanh, quyết toán công trình, hạn chế tối đa nợ đọng xây dựng cơ bản.

Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi diễn biến giá cả, nhất là các mặt hàng do nhà nước quản lý giá theo cơ chế thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; dự báo tình hình, nhất là giá dầu thế giới để có phương án điều hành chủ động.

Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ tài chính ngân sách nhà nước. Tăng cường công tác thanh tra, phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi trốn thuế, chuyển giá, gây thất thu thuế. Quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, triệt để tiết kiệm và hiệu quả. Thực hiện kế hoạch trả nợ của các cấp ngân sách theo dự toán. Chú trọng tái cơ cấu thị trường chứng khoán và bảo hiểm, nâng cao vai trò của các thị trường này trong việc huy động vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu giải pháp về thuế phù hợp với lộ trình cắt giảm thuế xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo các cam kết quốc tế để đồng thời vừa đạt mục tiêu hội nhập sâu về kinh tế, vừa góp phần bảo vệ, đẩy mạnh sản xuất trong nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm tình hình hạn hán ở miền Trung và Tây Nguyên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án hỗ trợ nông dân. Rà soát, điều chỉnh để triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách phát triển thủy sản. Theo dõi sát, chủ động các phương án phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Chủ động tham gia hợp tác với các nước xuất khẩu cao su, cà phê. Tích cực triển khai chính sách phát triển rừng gắn với cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số.

Về bảo hiểm xã hội một lần, Chính phủ nhất trí kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 theo hướng: nếu người lao động chưa đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu thì được quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 hoặc được bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội để tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc bảo hiểm xã hội tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng khi hết tuổi lao động.

Chính phủ cũng thống nhất tạm thời chưa áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về tải trọng trục của xe ô tô chở hàng hóa được quy định tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 và Nghị định số 107/2014/NĐ-CP ngày 17/11/2014 của Chính phủ.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *