Niềm tin tiêu dùng của người Việt hồi phục mạnh trong tháng Sáu

FICA - Theo ANZ, niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đã tăng mạnh trở lại trong tháng Sáu do nhiều yếu tố, chứ không chỉ do căng thẳng giữa Việt Nam – Trung Quốc đã dịu đi.

Tập đoàn ngân hàng ANZ phối hợp với tập đoàn nghiên cứu thị trường Roy Morgan ngày hôm nay (11/7) chính thức giới thiệu Chỉ số Niềm Tin người Tiêu dùng hàng tháng lần đầu tiên tại Việt Nam.

Theo đó, Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam của ANZ-Roy Morgan đã tăng trở lại đạt 131,0 (tăng 7,7 điểm) trong tháng 6/2014. Chỉ số này hiện chỉ cao trên mức trung bình của năm 2014 là 130,5. 

Cơ quan khảo sát cho biết, mức tăng chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam trong tháng này chủ yếu được tác động bởi sự cải thiện niềm tin về tình hình tài chính cá nhân của người Việt.

Cụ thể, xét về khía cạnh tài chính cá nhân, 48% người Việt (tăng 9%) kỳ vọng, vào thời điểm này năm sau tình hình tài chính gia đình của họ sẽ ‘khá’ hơn (cao nhất năm 2014) trong khi chỉ có 8% số người (giảm 6%) cho rằng tình hình tài chính của họ sẽ ‘xấu’ đi. 

Hiện có 32% người Việt (tăng 4%) cho biết tình hình tài chính gia đình họ đã ‘khá’ hơn năm trước (cao nhất năm 2014) trong khi 20% số người (giảm 7%) cho biết tình hình tài chính của họ ‘xấu’ hơn. 

Trong khi đó, một bộ phận lớn người Việt - 57% (tăng 5%) kỳ vọng nền kinh tế sẽ có những ‘chuyển biến tốt’ trong 5 năm tới trong khi chỉ có 11% số người (giảm 1%) dự kiến sẽ có những ‘chuyển biến xấu’. 

Ngoài ra, 49% người Việt (không đổi) kỳ vọng rằng Việt Nam sẽ có những ‘chuyển biến tốt’ về tài chính trong vòng 12 tháng tới và chỉ 16% (không đổi) cho rằng sẽ có những ‘chuyển biến xấu’. 

Báo cáo cũng cho thấy, ngày càng có nhiều người Việt, 38% (tăng 5%) cho biết hiện giờ là ‘thời điểm thuận lợi để mua’ những vật dụng gia đình chính trong khi chỉ 14% (giảm 2%) người cho rằng đây là ‘thời điểm không thích hợp’ để mua sắm.

Chuyên gia kinh tế trưởng châu Á – Thái Bình Dương, Glenn Maguire cho rằng, "Niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đã tăng mạnh trở lại trong tháng Sáu do nhiều yếu tố, chứ không chỉ do căng thẳng giữa Việt Nam – Trung Quốc đã dịu đi". 

Theo đó, mặc dù niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đã giảm mạnh trong tháng Năm do căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Việt Nam, cơ quan khảo sát vẫn tin rằng sự việc này có tính tương quan hơn là nguyên nhân kết quả. Một trong số những yếu tố quyết định chính đối với niềm tin người tiêu dùng Việt Nam dường như là hiệu ứng tài sản phát sinh từ cả thị trường cổ phiếu lẫn giá vàng, và từ đầu năm nay niềm tin người tiêu dùng đã và đang theo sát biến động của những công cụ tài sản tài chính. 

Chuyển biến này nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của các yếu tố biến động thu nhập/tài sản hiện đang chi phối niềm tin tiêu dùng tại các nền kinh tế đang chuyển tiếp từ thu nhập mức thấp lên mức trung bình như Việt Nam. 

Theo Gleenn, hiện vẫn có thể nhận thấy ảnh hưởng kéo dài do căng thẳng chính trị giữa Việt Nam và Trung Quốc. Những chuyển biến trong ngắn hạn như thay đổi trong nhận định về mức độ giàu có dường như có xu hướng ảnh hưởng tới triển vọng trong 12 tháng sắp tới trong khi diễn biến về chính trị có xu hướng ảnh hưởng đến triển vọng trong vòng 5 năm. 

Dù trong tháng Sáu có đến 57% người Việt (tăng 5%) kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ có những ‘chuyển biến tốt’ trong 5 năm tới nhưng đó mới chỉ là một phần tăng trở lại so với mức giảm 9% trong tháng 5 vừa qua.

Hai động thái mà ANZ sẽ theo dõi sát trong những tháng tới đây là nhận định cho rằng liệu triển vọng kinh tế trong giai đoạn 5 năm tới sẽ vẫn tiếp tục phục hồi khi căng thẳng dịu đi hay liệu rằng những cuộc biểu tình đã gây ra những ảnh hưởng lâu dài đối với mối quan hệ trọng yếu giữa Việt Nam và Trung Quốc. 

Cuối cùng, vị chuyên gia kỳ vọng, những ảnh hưởng tích cực đang có nhờ giá vàng và giá cổ phiếu sẽ đẩy mạnh xu hướng chi tiêu từ các khoản lợi nhuận này trong những tháng tới đây. Công bố số liệu ban đầu về niềm tin người tiêu dùng Việt Nam của chúng tôi cho thấy rằng mức tiêu dùng hiện đang ở thế tốt để tạo đà tăng mạnh vào sáu tháng cuối năm, hỗ trợ phục hồi kinh tế trên diện rộng tại Việt Nam.”

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *