Ngành Công thương thoái vốn, thu về hơn 4.000 tỷ đồng

FICA - Theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, năm 2014 ngành Công thương đã thu về hơn 4.000 tỷ đồng từ việc thoái vốn ngoài ngành của nhiều đơn vị doanh nghiệp trực thuộc bộ.

Thông tin được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2014 và triển khai năm 2015 sáng nay tại Hà Nội.

 

Tổng hợp kết quả thoái vốn 43 đơn vị tại 5 Tập đoàn, 3 Tổng công ty đã thu về tổng số hơn 4.130 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ bằng 51% tổng số tiền thu về từ thoái vốn của các DNNN của cả nước.  Các doanh nghiệp, các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Bộ đã hoàn thành thoái vốn được 43/96 danh mục thoái vốn theo các Đề án đã được duyệt.  Một số Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Bộ đã tích cực triển khai công tác thoái vốn và đạt kết quả cao như: Tập đoàn Dệt May Việt Nam; Tập đoàn công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

 

 

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, năm 2014 Bộ được Chính phủ phân công thực hiện cổ phần hóa 9 đơn vị là: Tập đoàn Dệt may Việt Nam; các Tổng công ty Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam; Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp; Tổng công ty Giấy, Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam và các công ty trực thuộc Bộ Công ty TNHH MTV Xây lắp và vật liệu xây dựng 5, Công ty TNHH MTV Điện máy và Đầu tư, Công ty TNHH MTV Thực phẩm đầu tư Focovocev, Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại BMC).

 

Kết quả thoái vốn của một số đơn vị như sau:

 

Năm 2014, Bộ Công thương đã hoàn cổ phần hóa Tập đoàn Dệt may Việt Nam, bán thành công 24% vốn điều lệ cho nhà đầu tư nước ngoài, IPO ra công chúng hơn 22,4% vốn điều lệ, thu về hơn 2.500 tỷ đồng. Hiện, Nhà nước chỉ năm giữ hơn 53% vốn điều lệ tại Vinatex.

 

Ở Cty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam, năm 2014 bán thành công 32% vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược, IPO ra công chúng 32% vốn điều lệ và 0,58% cho người lao động trong Cty, thu về hơn 950 tỷ đồng. Hiện, Nhà nước cũng chỉ nắm giữ 36,3% vốn điều lệ.

 

Hiện tại, 3 Tổng công ty thuộc Bộ đang triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch để hoàn thành công tác cổ phần hóa 3 Tổng công ty trong năm 2015. Đối với 4 Công ty TNHHMTV thuộc Bộ, công tác sắp xếp, cổ phần hóa các đơn vị này hiện phát sinh một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề tài chính, tranh chấp tài sản, thanh tra xử lý tồn tại về đầu tư dự án nước ngoài nên tiến độ chậm, kéo dài.

 

Như vậy, đến hết năm 2015, sau khi hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, Bộ công Thương sẽ còn quản lý 4 tập đoàn (trong 5 tập đoàn được phân công), và 1 Tổng công ty 100% vốn nhà nước (5 Tổng công ty được phân công).

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *