Hàng loạt quy định có hiệu lực từ 1/1/2015 trong ngành công thương

FICA - Từ tháng 1/2015, nhiều chính sách quan trọng của ngành Công Thương có hiệu lực: Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN; Quy định quy trình thao tác trong hệ thống điện quốc gia; Quy định về quản lý website thương mại điện tử; Quy định mới về việc nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu theo hạn ngạch thuế quan năm 2015...

Bộ Công Thương vừa giới thiệu một loạt các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động của ngành Công Thương có hiệu lực từ tháng 1 năm 2015:

Thay đổi về thủ tục cấp và kiểm tra C/O

Từ ngày 02/01/2015, Thông tư số 42/2014/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2010/TT-BCT ngày 17 tháng 5 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo đó, một số thay đổi đáng chú ý về thủ tục cấp và kiểm tra C/O như sau:

Người nhập khẩu phải nộp cho cơ quan Hải quan nước nhập khẩu tờ khai, C/O, kèm các chứng từ chứng minh (như hóa đơn thương mại, và vận tải đơn chở suốt được cấp trên lãnh thổ của Nước thành viên xuất khẩu trong trường hợp hàng hóa được vận chuyển qua lãnh thổ của một hoặc nhiều nước trung gian không phải là Nước thành viên theo quy định tại Điều 21 của Phụ lục này) và các tài liệu khác theo quy định của pháp luật Nước thành viên nhập khẩu.

Đối với trường hợp C/O được cấp đến và cấp đi từ Campuchia và Myanmar vẫn ghi trị giá FOB đối với tất cả các tiêu chí xuất xứ trong thời gian 02 (hai) năm kể từ ngày 1 tháng 4 năm 2014 đến ngày 31 tháng 3 năm 2016; Bãi bỏ Phụ lục 13 Danh mục các Tổ chức cấp C/O ban hành kèm theo Thông tư số 21/2010/TT-BCT và thay thế bằng Phụ lục IV ban hành kèm theo.

Quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt Quy hoạch địa điểm xây dựng Trung tâm điện lực

Từ ngày  5/ 1/2015, Thông tư 43/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương về việc quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt Quy hoạch địa điểm xây dựng Trung tâm điện lực bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo đó, việc điều chỉnh Quy hoạch Trung tâm điện lực đã được phê duyệt sẽ được cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh khi xuất hiện một trong các yếu tố: (i) Thay đổi quy hoạch nguồn nhiên liệu chính cấp cho nhà máy điện trong Trung tâm điện lực, thay đổi giải pháp công nghệ hoặc các thay đổi cần thiết khác dẫn tới phải điều chỉnh; (ii) điều chỉnh tăng hoặc giảm quy mô công suất tương đương với công suất của một tổ máy nhỏ nhất trong Trung tâm điện lực; (iii) thay đổi địa điểm xây dựng Trung tâm điện lực.

Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương là cơ quan được giao chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định hồ sơ Quy hoạch Trung tâm điện lực, trường hợp cần thiết, Tổng cục Năng lượng được thuê Tư vấn thẩm tra hồ sơ Quy hoạch Trung tâm điện lực hoặc mời chuyên gia để trợ giúp thẩm định.

Quy định quy trình thao tác trong hệ thống điện quốc gia

Từ ngày 23/1/2015, Thông tư 44/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương về việc quy định quy trình thao tác trong hệ thống điện quốc gia bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Thông tư này quy định trình tự thực hiện thao tác; các thao tác cơ bản của thiết bị điện của nhà máy điện, trạm điện, lưới điện có điện áp từ 01 kV trở lên trong chế độ vận hành bình thường của hệ thống điện quốc gia; quy định đánh số thiết bị điện của nhà máy điện, trạm điện, lưới điện có điện áp từ 01 kV trở lên.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng yêu cầu người ra lệnh thao tác, trước khi ra các lệnh thao tác phải nắm rõ tên thao tác và mục đích thao tác; Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc thao tác theo dự kiến; Sơ đồ kết dây hiện tại của hệ thống điện, lưới điện khu vực, nhà máy điện, trạm điện cần thao tác; Tình trạng vận hành và nguyên tắc hoạt động của các thiết bị đóng cắt, v.v...

Quy định về quản lý website thương mại điện tử

Từ ngày 20/01/2015, Thông tư số 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website thương mại điện tử (TMĐT) bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Thông tư số được ban hành nhằm bổ sung, thay thế một số quy định tại Thông tư số 12/2013/TT-BCT và hướng dẫn Nghị định số 52/2013/NĐ-CP (Nghị định số 52) về TMĐT được Chính phủ ban hành ngày 16/5/2013. Thông tư số 47/2014/TT-BCT bao gồm một số nội dung mới như: Phân định trách nhiệm quản lý với các website chuyên ngành; Hoạt động kinh doanh hàng hóa hạn chế kinh doanh hoặc hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện trên website TMĐT; Trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ TMĐT; Quản lý hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội; Các mô hình website khuyến mại trực tuyến mới, v.v...

Ngoài ra, Thông tư số 47 còn có các quy định mới liên quan đến quy trình thủ tục thông báo, đăng ký website TMĐT và đăng ký hoạt động đánh giá tín nhiệm website TMĐT như: Quy định về thời hạn phản hồi thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân sau khi nhận được thông báo yêu cầu bổ sung thông tin; Quy định về việc xác nhận thông báo website TMĐT bán hàng và cấp biểu tượng xác nhận thông báo; Quy định về cập nhật thông tin thông báo; Quy định về đối tượng và phạm vi đăng ký hoạt động đánh giá tín nhiệm website TMĐT.

Quy định mới về việc nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu theo hạn ngạch thuế quan năm 2015

Từ ngày 01/01/2015, có một số thay đổi đáng chú ý về việc nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu theo hạn ngạch thuế quan năm 2015 như sau:

- Lượng thuốc lá nguyên liệu (Mã HS 2401) nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2015 là 46.305 tấn.

- Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu được phân giao cho thương nhân có giấy phép sản xuất thuốc lá điếu do Bộ Công Thương cấp và có nhu cầu sử dụng cho sản xuất thuốc lá điếu một tỷ lệ nhất định thuốc lá nguyên liệu nhập khẩu do Bộ Công Thương xác nhận, v.v...

Nội dung này được quy định tại Thông tư số 49/2014/TT-BCT quy định việc nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu theo hạn ngạch thuế quan năm 2015.

Hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012-2015

Từ ngày 12/01/2015, Thông tư liên tịch số 45/2014/TTLT-BCT-BTC-BKHĐT hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012 - 2015 bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo đó, nguyên tắc quản lý, sử dụng kinh phí để thực hiện nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phải theo đúng mục đích, đúng chế độ, bảo đảm tính hiệu quả, khả thi khi triển khai; chịu sự kiểm tra, kiểm soát và giám sát đánh giá của cơ quan chức năng có thẩm quyền; quyết toán kinh phí đã sử dụng hàng năm và kết thúc nhiệm vụ, dự án theo quy định hiện hành. Việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí phải phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân (UBND) các cấp khi quyết định đầu tư xây dựng mới, mở rộng hoặc cải tạo cơ sở vật chất sử dụng nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước bố trí từ các Chương trình khác có nội dung sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì không hỗ trợ đầu tư các dự án nêu trên bằng kinh phí thuộc Chương trình.

Hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia

Bắt đầu từ ngày 05/01/2015, Thông tư số 171/2014/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia có hiệu lực và thay thế Thông tư số 88/2011/TT-BTC ngày 17 tháng 6 năm 2011 của Bộ Tài chính.

Thông tư này về cơ bản đã khắc phục được hạn chế của Thông tư số 88/2011/TT-BTC về phạm vi và mức hỗ trợ cho các hoạt động của chương trình XTTM quốc gia theo hướng điều chỉnh, bổ sung các qui định nhằm phù hợp hơn với tình hình thực tế và nghiệp vụ xúc tiến thương mại đồng thời bám sát các qui định tại Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia (ban hành kèm theo Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Qua đó góp phần tích cực trong việc nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, tăng cường hoạt động XTTM phát triển xuất khẩu, thị trường trong nước, thương mại miền núi, biên giới và hải đảo.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *