Biển Đông nóng: Có kịch bản sẵn kinh tế không bị động

Tình hình căng thẳng trên biển Đông khiến các ĐBQH lo ngại góc độ kinh tế - xã hội và ngân sách nên mong đợi sự cụ thể hơn nữa từ Chính phủ.

Dù rằng trước đó Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lên tiếng cho rằng: “Việt Nam luôn chủ động ứng phó. Mặt khác, với những nỗ lực đổi mới trong gần ba thập kỷ qua, không lo nền kinh tế bị lệ thuộc vào quốc gia nào”, song không ít ý kiến vẫn tiếp tục mong đợi các giải pháp cụ thể hơn của Chính phủ.

 

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 26/5, ĐB Hà Sĩ Đồng nói: "tình hình căng thẳng biển Đông ảnh hưởng rất lớn nhất là các thị trường xuất nhập khẩu hàng nông lâm sản phụ thuộc vào thị trường của Trung Quốc.

 

"Các doanh nghiệp đang chờ đợi những đổi mới của Chính phủ, các bộ ngành trung ương cũng như địa phương chủ động ứng phó với vấn đề này. Đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo, có định hướng xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường đầu ra, giải quyết vấn đề hàng tồn kho nhất là các hàng xuất nhập khẩu lâu nay phụ thuộc vào Trung Quốc", ĐB Đồng nói.

 

Theo ông Đồng, một số linh kiện đầu vào cũng liên quan đến sản xuất của doanh nghiệp mà lâu nay phụ thuộc vào thị trường của Trung Quốc cũng cần Chính phủ hỗ trợ tìm kiếm thị trường để DN ổn định sản xuất.

 

"Đây là thời điểm thách thức nhưng cũng là cơ hội vươn ra thị trường các nước khác", ĐB Đồng nhận định.

 

Trước tình hình Trung Quốc leo thang trên biển Đông, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần đưa ra các kịch bản ứng phó
Trước tình hình Trung Quốc leo thang trên biển Đông, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần đưa ra các kịch bản ứng phó

 

Trước đó khi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội cũng không ít đại biểu Quốc hội đề nghị cần có các kịch bản kinh tế, nếu tình hình căng thẳng trên biển Đông tiếp tục leo thang.

 

“Về chính trị thì chúng ta đã bàn và thể hiện ý chí chung, còn ở góc độ kinh tế - xã hội và ngân sách, Chính phủ cần báo cáo cụ thể hơn nữa, đưa ra các kịch bản. Ví dụ, nếu tình hình căng thẳng như hiện nay thì có thể gây ra những hệ quả thế nào? Nếu tình hình xấu hơn thì kịch bản ra sao? Ngành hàng nào, doanh nghiệp trong những lĩnh vực nào sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất?

 

Chúng ta không có kịch bản sẵn thì sẽ bị đẩy vào thế bị động. Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng vấn đề này để có bước đi phù hợp, giải pháp cụ thể”, đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) nói.

 

Vị đại biểu này dẫn ra ví dụ về ngành dệt may, đang chiếm kim ngạch xuất khẩu rất lớn của Việt Nam, như năm 2013, ngành này xuất khẩu 17,8 tỷ USD, giải quyết công ăn việc làm rất lớn. Điều rất đáng lưu ý, là ở thị trường này, phải mua từ sợi chỉ đến cái khuy áo đều phụ thuộc vào một thị trường Trung Quốc.

 

Hay như trong sản xuất ngành công nghiệp cao su, xuất khẩu cũng phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc...

 

Đây cũng là nỗi lo lắng của đại biểu Mai Xuân Hùng (Hậu Giang): “80% nguyên vật liệu đầu vào của Việt Nam đang phụ thuộc vào Trung Quốc, 60% xuất khẩu nông sản đang phụ thuộc vào Trung Quốc. Nếu tình hình biển Đông diễn biến phức tạp theo chiều hướng xấu, cần phải tính toán nhiều kịch bản về kinh tế”.

 

Đại biểu Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa) cũng nói: “Chúng ta cần có những phương án chủ động để chuẩn bị cho các tình huống và hạn chế bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong sản xuất, kinh doanh”.

 

Tuy nhiên đại biểu Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhận định: "Trong điều kiện hội nhập, các nước đều có sự phụ thuộc lẫn nhau, mỗi bước đi của nước nào đó phải tính toán kỹ, thời buổi này không phải muốn làm gì cũng được”.

 

Theo đó ông Huệ cho rằng: vấn đề trước mắt, cần tập trung xử lý những vấn đề nội tại của nền kinh tế. Chẳng hạn như việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết 15 là rất kịp thời. Nhưng quá trình này vẫn cần được đẩy nhanh hơn. Quốc hội cũng cần có chương trình giám sát để làm sao quá trình tái cơ cấu có hiệu quả, không để thất thoát.

 

ĐB Vũ Viết Ngoạn cũng cho rằng: Để giảm nhập siêu của Việt Nam nhập khẩu từ nước ngoài quá nhiều, cũng như nhập khẩu từ Trung quốc quá lớn, hiện nay quan trọng vẫn là tái cơ cấu nền kinh tế. Cụ thể, chúng ta xuất khẩu sang TQ những mặt hàng gì và nhập khẩu gì là chủ yếu.

 

Vì vậy, phải nghiên cứu phát triển sản xuất trong nước, tập trung vào mặt hàng ta toàn hoàn có thể chủ động được. Không nhất thiết phải nhập những mặt hàng đơn giản như tăm tre, đũa…

 

Nhập cho nguyên liệu sản xuất cần cân nhắc, nghiên cứu để đa dạng hóa thị trường. Đa dạng hóa thị trường thì cần có thời gian. Thực tế, nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc hiện nay phục vụ cho dệt may, da giày hiện nay có giá khá cạnh tranh.

 

"Chúng ta phải đa dạng hóa các nhà đầu tư nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc… cùng với họ phát triển công nghiệp phụ trợ, giúp VN tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu thì sẽ góp phần cho chúng ta hạn chế nhập siêu ở một số thị trường", ông Ngoạn nhấn mạnh.

Theo Bích Ngọc

Đất Việt

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *