Thời sự 14/06/2015 08:10

Nợ xấu - nỗi lo còn đó

Nợ xấu vẫn còn là “cục máu đông” của nền kinh tế, trong khi cách xử lý nợ xấu vẫn chỉ là “bắt nhốt” vào kho. Việc thiếu một biện pháp triệt để đang là điểm nghẽn trong khơi thông mạch máu của nền kinh tế.

Nợ xấu tăng trở lại

Theo dữ liệu mới nhất- ngày 4-5 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổng hợp từ báo cáo của các tổ chức tín dụng, nợ xấu của hệ thống ngân hàng ở mức khá cao- 3,49%. Như vậy, nợ xấu đã tăng trở lại sau khi có xu hướng sụt giảm rõ rệt từ tháng 6-2014 (từ mức cao nhất trong năm, 4,17% tháng 6-2014, xuống còn 3,25% vào tháng 12-2014). Điều này, theo Ban Phân tích dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia, nợ xấu vẫn là vấn đề đáng quan ngại.

Việc nợ xấu tăng trở lại đã được báo cáo phân tích vĩ mô của Công ty chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) dự báo trước đó. BSC đã từng nhận định lượng nợ xấu các ngân hàng có thể gia tăng từ 1-4-2015, khi đảo nợ không còn được chuyển nhóm (theo Thông tư 09 của Ngân hàng Nhà nước). Tình hình sản xuất kinh doanh cải thiện song khó khăn của một số lĩnh vực, đặc biệt như xây dựng, bất động sản vẫn có thể làm phát sinh thêm nợ xấu. Dù vậy, tín dụng đang tăng khá nhanh và việc hối thúc bán nợ cho VAMC có thể làm con số tỷ lệ nợ xấu được trung hòa và không tăng nhiều.

Ông Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Chính sách vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Chúng ta đang đẩy nợ xấu vào kho, bào mòn nợ xấu bằng tỷ lệ dự phòng cao. Vô hình trung chi phí xử lý nợ xấu đang đẩy lên vai hai nhóm người là người gửi tiền và người đi vay. Người gửi tiền nhận lãi suất thấp, người vay tiền cũng phải chịu chi phí này khiến chịu lãi suất cho vay cao hơn. Nếu không giải quyết được nợ xấu trong ngân hàng mà tiếp tục sử dụng công cụ bào mòn nợ xấu thì ta phải tiếp tục gánh chịu nhiều hậu quả. Điều đó chứng minh bằng việc tín dụng tăng không cao.

Trên diễn đàn Quốc hội, nợ xấu cũng là “từ khóa” nóng. Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa ví von: Đến nay nợ xấu trong nền kinh tế đã bị VAMC bắt “nhốt lại”, nhưng đó mới chỉ là nhốt lại, xích lại, nợ xấu hầu như vẫn còn nguyên và đang trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Điều quan ngại là chúng ta chưa xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường, qua 3 năm VAMC mới chỉ bán được 2-3% nợ xấu. Theo đà này thì bao giờ chúng ta xử lý hết nợ xấu, đến bao giờ thì cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp được giải phóng khỏi nợ xấu để nhanh chóng phá tan được cục máu đông hàng trăm, nghìn tỷ đồng để cứu vãn nền kinh tế hiện nay?

 
    Việc xử lý các bên gây ra nợ xấu sẽ thực hiện đúng nguyên tắc ai tổ chức nào gây ra nợ xấu thì người, tổ chức đó phải trả giá bằng cả vật chất lẫn trách nhiệm trước pháp luật.
 

TS Nguyễn Đại Lai

Vì thế, đại biểu Huỳnh Nghĩa cho rằng: Xử lý nợ xấu phải theo nguyên lý thị trường, tiền tươi thóc thật, sòng phẳng và gắn với tình trạng thị trường bất động sản, tránh nguy cơ ảo tưởng có thể giải quyết triệt để và nhanh chóng nợ xấu.

Cần có luật về xử lý nợ xấu?

Tại hội thảo về an ninh tài chính tiền tệ  vừa diễn ra tại Đại học Kinh tế quốc dân, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Mùi, nguyên Giám đốc Trường Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực VietinBank nhận xét: Chất lượng tín dụng của ngân hàng thường được đánh giá qua chỉ tiêu nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu cao khẳng định một sự phát triển thiếu bền vững, nguy cơ bất ổn hệ thống là rất lớn. Việc sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp xử lý nợ xấu, hạn chế nợ xấu mới phát sinh là việc làm cấp thiết cho việc an ninh tài chính trong hoạt động ngân hàng.

Theo bà Nguyễn Thị Mùi, giải quyết nợ xấu không còn là việc riêng của ngân hàng, của khách hàng vay mà còn là nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước. Việc thành lập VAMC và đưa nó vào hoạt động là thêm một biện pháp giải quyết nợ xấu cho nền kinh tế. Đến nay VAMC đã mua được 123.000 tỷ đồng nợ xấu của 39 tổ chức tín dụng. Tuy nhiên việc xử lý nợ xấu diễn ra rất chậm chạp, sau gần 2 năm hoạt động mới chỉ xử lý được 4.161 tỷ đồng. Đây vẫn được coi là điểm nghẽn trong hoạt động tín dụng ngân hàng.

“Cho đến nay VAMC chưa biến nợ xấu thành tiền thật để đưa vào nền kinh tế. Việc tăng vốn điều lệ của VAMC lên 2.000 tỷ đồng đã được Chính phủ đồng ý, NHNN đã cho phép phát hành khối lượng lớn trái phiếu đặc biệt, vì thế VAMC cần nhanh chóng xây dựng cơ chế mua bán nợ theo cơ chế thị trường” - bà Nguyễn Thị Mùi đề nghị.

Nghiên cứu của TS Nguyễn Đại Lai, chuyên gia tài chính ngân hàng đánh giá cần có một biện pháp “mạnh” để xử lý nợ xấu. TS Nguyễn Đại Lai cho rằng: Xử lý nợ xấu đã và đang tồn đọng tại các ngân hàng thương mại cần phải được điều chỉnh bằng một nghị định của Chính phủ, thậm chí bằng một pháp lệnh hay một luật của Nhà nước về việc phân loại nợ xấu và quy chế xử lý theo các cấp độ xử lý công khai. Theo đó, nếu nợ xấu từ nhóm 4 (nợ có khả năng tổn thất cao- PV) trở lên khi chạm vượt ngưỡng 2,5 lần vốn tự có của ngân hàng thương mại thì bất luận ngân hàng đó thuộc thành phần sở hữu nào đều bị buộc phải bán lại cho NHNN hoặc một định chế tài chính do NHNN chỉ định với giá bằng 0 hoặc giá âm để chủ mới cơ cấu lại theo hướng chuyển đổi quy mô, thay đổi mô hình tổ chức, thay toàn bộ hội đồng quản trị và bảo vệ người gửi tiền trước khi đủ để đưa lên sàn, bán thu hồi vốn cho chủ mới. Sở dĩ có đề xuất này là xuất phát từ những bài học thực tiễn còn nguyên giá trị tham khảo trên thế giới như Baring Bank (Anh), Ngân hàng Lehman Brothers…

“Điều quan trọng của giải pháp Ngân hàng Nhà nước mua lại hoặc đổi chủ 100% sở hữu chứ không chỉ ‘mua nợ xấu’ ngân hàng là người gửi tiền được bảo vệ, tổng thiệt hại xã hội ở mức hầu như bằng không và không tổn hại đến ngân sách Nhà nước. Thậm chí Nhà nước còn lãi lớn sau khi tái cấu trúc, bán ra thị trường” - TS Nguyễn Đại Lai đề cập trong bài nghiên cứu.

 
Theo Lương Bằng
Báo Hải quan
Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *