Thời sự 01/06/2014 08:47

Nhà băng Việt quản lý hơn 90% tài sản tổ chức tài chính

FICA - Đặc thù của Việt Nam là hệ thống ngân hàng và các công ty tài chính do NHNN quản lý chiếm hơn 90% tổng tài sản của các tổ chức tài chính. Do đó, chức năng và nhiệm vụ quản lý của NHNN cũng là vai trò quan trọng để kiểm soát ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa tổ chức Hội thảo với chủ đề “Vai trò của NHNN đối với sự ổn định của hệ thống tài chính”. Thảo luận về khái niệm “Ổn định tài chính”, các đại biểu cho rằng ổn định tài chính là “một trạng thái trong đó hệ thống tài chính gồm các trung gian tài chính, thị trường và hạ tầng tài chính có khả năng chống đỡ được các cú sốc và những rủi ro do sự mất cân đối tài chính gây ra từ đó làm giảm bớt khả năng sụp đổ của các trung gian tài chính vốn có tác động tiêu cực đối với việc phân bổ tiết kiệm và đầu tư” (Ngân hàng Trung ương Châu Âu).

Do đó, ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đều nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của ổn định tài chính như một điều kiện cần thiết để ổn định kinh tế vĩ mô do sự gắn kết chặt chẽ giữa hai mục tiêu này. Do đó, mất ổn định tài chính sẽ tác động đến môi trường kinh tế vĩ mô, các hoạt động kinh tế, ổn định giá trị đồng tiền và quá trình truyền tải chính sách tiền tệ.

Đối với Việt Nam, các đại biểu nhất trí với quan điểm, NHNN đóng vai trò chủ đạo trong thực hiện chức năng ổn định tiền tệ - tài chính. Thực tế cho thấy, đảm bảo ổn định hệ thống tài chính là một vấn đề quan trọng đối với NHNN do mối liên hệ mật thiết giữa các lĩnh vực trong hệ thống tài chính, bao gồm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và hoạt động của ngân sách với việc điều hành chính sách tiền tệ một cách có hiệu quả. Sự bất ổn của hệ thống ngân hàng-tài chính sẽ ảnh hưởng đáng kể đối với quá trình truyền tải tác động của chính sách tiền tệ đến nền kinh tế.

Bong bóng giá bất động sản, mức độ vay nợ cao cũng như tính kém hiệu quả của khu vực doanh nghiệp ảnh hưởng tiêu cực đến những nỗ lực của NHNN trong việc kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô, đặc biệt khi cần xác định thời điểm, mức độ và qui mô của các công cụ chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, NHNN cần nắm sát diễn biến của tổng thể hệ thống tài chính do nhu cầu vốn của các thành viên trên thị trường có thể biến động bất thường khi gặp các cú sốc và mất cân bằng tài chính. Sự thiếu hụt thanh khoản có thể nhanh chóng lan rộng và ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ hệ thống tài chính, trong đó có hệ thống các TCTD và các định chế tài chính. Vì vậy, chính sách tiền tệ và ổn định tiền tệ là vô cùng quan trọng góp phần ổn định khu vực tài chính.

Ngoài ra, đặc thù của Việt Nam là hệ thống ngân hàng và các công ty tài chính do NHNN quản lý chiếm hơn 90% tổng tài sản của các tổ chức tài chính. Do đó, chức năng và nhiệm vụ quản lý của NHNN cũng là vai trò quan trọng để kiểm soát ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng. Với vai trò là NHTW, các chính sách và công cụ để thực hiện ổn định hệ thống tài chính (hay nói cách khác là khuôn khổ an toàn vĩ mô) phần lớn thuộc thẩm quyền điều hành của NHNN.

Ngoài ra, hội thảo cũng tập trung thảo luận cách thức để NHNN phối hợp với các cơ quan liên quan về các nội dung và phương pháp triển khai chức năng ổn định tiền tệ- tài chính của NHNN trong thời kỳ mới. Sự triển khai toàn diện chức năng này cần được nghiên cứu trên ba trụ cột chính. Thứ nhất, phát triển một khuôn khổ an toàn vĩ mô hiệu quả với bộ công cụ thích hợp để phân tích, ngăn ngừa, cảnh báo và xử lý sự tích tụ rủi ro hệ thống. Đồng thời, NHNN cần sự phối hợp nhịp nhàng trong quá trình hoạch định chính sách và cung cấp, chia sẻ thông tin kịp thời với các bộ, ngành liên quan; cơ chế điều hành và quản lý minh bạch, thông tin kịp thời đến nhân dân và thị trường cũng là một nhân tố quan trọng và cần nhận được sự phối hợp tích cực.

Thứ hai, các ngân hàng, tổ chức tài chính, dưới sự giám sát và hướng dẫn của NHNN và các cơ quan liên quan, phải đẩy nhanh thực hiện những cải cách, không ngừng cải thiện công tác quản trị điều hành và quản lý rủi ro để hỗ trợ cho công tác giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước và vì lợi ích sống còn cho chính các tổ chức tài chính.

Thứ ba, nâng cao kiến thức tài chính, nhận thức về quyền lợi chính đáng cho người dân hay khách hàng sử dụng các sản phẩm/dịch vụ tài chính, ngân hàng. NHNN và các cơ quan liên quan với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế tăng cường các qui định bảo vệ khách hàng và nghiên cứu, triển khai các chương trình nâng cao kiến thức tài chính cho người dân, đặc biệt trong các vùng miền và khu vực kém lợi thế kinh tế.

Theo khẳng định của Phó Thống đốc Đào Minh Tú, NHNN có vai trò chủ đạo, là đầu mối phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc thực hiện chức năng ổn định tiền tệ - tài chính tại Việt Nam. Việc thực hiện ổn định tiền tệ - tài chính sẽ đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng - tài chính, hạn chế và phòng ngừa rủi ro, khủng hoảng tài chính trong tương lai, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Qua đó nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và phát triển bền vững. Đồng thời, ổn định tiền tệ - tài chính sẽ hỗ trợ cho khu vực ngân hàng nói riêng và hệ thống tài chính nói chung chuẩn bị tốt hơn cho quá trình hội nhập quốc tế trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp tới.

An Hạ

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *