Thời sự 08/05/2015 07:41

Ngân sách vay dự trữ ngoại hối: Làm yếu đồng tiền...

Nếu vay dự trữ ngoại hối sẽ làm giảm bớt phần dự trữ, tức là giảm sự ổn định trong quản lý dự trữ ngoại hối.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đã phân tích sự thiệt - hơn khi hay tin Ngân hàng Nhà nước vừa được giao nhiệm vụ chủ trì xuất cơ chế cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối Nhà nước.

 

Dự trữ ngoại hối cao, tiền đồng sẽ mạnh

 

PV: Thưa ông, Ngân hàng Nhà nước vừa được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối Nhà nước. Theo ông, đây có phải là một biện pháp tích cực để giải quyết vấn đề cân đối ngân sách hay không và vì sao?

 

Ông Bùi Kiến Thành: - Tôi cho rằng đây là một trong những giải pháp tức thì để ngân sách có thể được bổ sung.

 

Tức là Chính phủ có thể vay trong nhân dân bằng cách mua trái phiếu, vay các tổ chức nước ngoài hay vay từ nguồn dự trữ ngoại hối của Ngân hàng nhà nước.. là các nguồn có thể vay.

 

Tuy nhiên Chính phủ muốn vay thì phải được Quốc hội cho phép trong hạn mức bao nhiêu phần trăm thì chỉ được vay mức đó.

 

Việc dự trữ ngoại hối có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ sức mạnh tiền đồng
Việc dự trữ ngoại hối có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ sức mạnh tiền đồng

 

PV: - Hiện, nền sản xuất ở Việt Nam chủ yếu là gia công, chủ yếu nhập nguyên vật liệu từ nước ngoài (cụ thể là Trung Quốc). Nếu để ngân sách được vay từ dự trữ ngoại hối của Việt Nam, hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, đặc biệt khi nhiều doanh nghiệp đã than khó tiếp cận ngoại tệ để mua nguyên liệu sản xuất? Ảnh hưởng của nó tới nền kinh tế nói chung phải được lường trước như thế nào?

 

Ông Bùi Kiến Thành: - Tôi nghĩ rằng ngoại tệ này là Chính phủ vay của ngân hàng nhà nước. Còn các doanh nghiệp cần ngoại tệ thì phải đến các ngân hàng thương mại.

 

Nếu các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay thì đó là phần dự trữ của từng ngân hàng một chứ không liên quan đến phần dự trữ quốc gia của ngân hàng nhà nước.

 

Mấy năm nay ngân hàng nhà nước mua nhiều ngoại tệ để tăng cường dự trữ ngoại hối của mình lên để quản lý tỉ giá đồng bạc, cho đồng tiền của Việt Nam mạnh hơn.

 

Nếu đồng tiền của mình yếu sẽ ảnh hưởng nhiều đến vấn đề tiền tệ khác chứ không liên quan nhiều đến doanh nghiệp.

 

PV: Nhìn ở khía cạnh khác, lượng dự trữ ngoại hối của quốc gia còn có chức năng đảm bảo giá trị của đồng tiền. Nếu sẽ phải tính toán đến việc cho ngân sách vay dự trữ ngoại hối, vấn đề đảm bảo giá trị đồng tiền sẽ cần được cân nhắc ra sao?

 

Ông Bùi Kiến Thành: - Nếu vay dự trữ ngoại hối sẽ làm giảm bớt dự trữ ngoại hối, giảm sự ổn định trong quản lý dự trữ ngoại hối.

 

Lượng dự trữ này dùng để chi cho nhập khẩu. Nếu cho nhà nước vay bằng đô la sẽ làm yếu đi dự trữ ngoại hối, làm yếu đi đồng tiền của mình.

 

Giả sử dự trữ ngoại hối của chúng ta đang có 35 tỉ USD. Nếu cho Chính phủ vay 30 tỉ USD mà chỉ còn lại 5 tỉ thì mình không còn dự trữ ngoại hối, tiền đồng sẽ yếu đi.

 

Một quốc gia có dự trữ ngoại hối cao giống như Trung Quốc thì đồng tiền của họ mạnh.

 

Hay như bên Mỹ không cần dự trữ ngoại hối vì đồng đô la là do họ tự phát hành. Còn Việt Nam không có nên phải đi bán hàng mới có ngoại tệ đem về rồi dùng tiền đó để mua các hàng nhập khẩu, còn lại là dự trữ ngoại tệ cho quốc gia.

 

Theo Đất Việt

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *