Thời sự 28/02/2014 20:08

Ngân hàng Nhà nước có thêm Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính

FICA - Tính cả Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính, hiện Ngân hàng Nhà nước có tất cả 12 Vụ trực thuộc.

Ngày 27/02/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính.

Theo đó, Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính là đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của NHNN, có chức năng tham mưu, giúp Thống đốc NHNN trong hoạt động, phân tích, đánh giá, thực thi chính sách an toàn vĩ mô của hệ thống tài chính và biện pháp phòng ngừa rủi ro có tính hệ thống của hệ thống tài chính.

Về cơ cấu tổ chức của Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính gồm 04 phòng: Phòng Chính sách an toàn vĩ mô, Phòng Cơ sở hạ tầng tài chính, Phòng Hệ thống tài chính, Phòng tổng hợp. Nhiệm vụ cụ thể của các Phòng do Vụ trưởng Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính quy định.

Hiện Ngân hàng Nhà nước có 24 đơn vị hành chính, sự nghiệp trực thuộc, trong đó có 11 Vụ trực thuộc, bao gồm: Vụ Chính sách tiền tệ; Vụ Quản lý ngoại hối; Vụ Thanh toán; Vụ tín dụng....

Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính có những nhiệm vụ tham mưu, giúp Thống đốc xây dựng cơ chế điều hành và thực thi chính sách an toàn vĩ mô của hệ thống tài chính; Xây dựng các mô hình và phương pháp để thực hiện công tác phân tích, đánh giá, cảnh báo sớm về an toàn vĩ mô của hệ thống tài chính;

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách liên quan đến ổn định tiền tệ, tài chính trình Thống đốc hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành; Triển khai các hoạt động phân tích, đánh giá, cảnh báo sớm về an toàn vĩ mô của hệ thống tài chính; Cập nhật thông tin của các tổ chức tài chính có tầm ảnh hưởng hệ thống, hệ thống “ngân hàng ngầm” nhằm phân tích, cảnh báo rủi ro đối với sự ổn định của hệ thống tiền tệ, tài chính;

Xây dựng báo cáo ổn định tài chính và các báo cáo chuyên đề về các lĩnh vực liên quan đến ổn định tài chính. Xây dựng kịch bản và phối hợp với Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam thực hiện kiểm tra sức chịu đựng của hệ thống ngân hàng, tài chính, triển khai mô hình cảnh báo sớm để nhận biết và cảnh báo dấu hiệu khủng hoảng tài chính;

Tham mưu, giúp Thống đốc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện chương trình đánh giá khu vực tài chính; Thực hiện hợp tác quốc tế về lĩnh vực ổn định tiền tệ, tài chính; tiếp nhận, quản lý và điều phối các hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến chương trình đánh giá khu vực tài chính và ổn định tiền tệ, tài chính của ngành Ngân hàng theo phân công của Thống đốc;

Phân tích, đánh giá tổng thể khả năng tiếp cận các sản phẩm/ dịch vụ tài chính của các đối tượng và khu vực khó khăn (cá nhân, hộ gia đình, nhóm các đối tượng khó khăn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đối tượng tại các khu vực vùng sâu, vùng xa), từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm/ dịch vụ tài chính của các nhóm đối tượng này...

Phương Dung

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *