Vụ tài sản "khủng" của quan chức về hưu: Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Truyền!

FICA - Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho rằng, khi nói có thể chúng ta suy diễn mặt này mặt khác, đó là quyền của chúng ta, nhưng khi đặt vấn đề nói về một con người, ta nên suy nghĩ có mức độ. Các cơ quan có trách nhiệm sẽ tham gia, vào cuộc.


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên trao đổi với PV Dân trí và báo giới sau phiên họp.
Ảnh: Bích Diệp.
 
Câu chuyện về khối tài sản “dinh thự, biệt thự, nhà đất…” của Cựu Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền gây xôn xao dư luận gần đây một lần nữa lại được đưa ra tại Phiên họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra chiều nay 28/2/2014.
 
Theo đó, hiện tại, trên báo giới, ông Truyền cũng đã thừa nhận ngôi dinh thự tại ấp 3, xã Sơn Đông, TP Bến Tre là của mình, xây cất trên diện tích đất của người con trai, có tổng diện tích hơn 16.000 m2. Trong khuôn viên dinh thự này còn có một số gian nhà cổ thiết kế bằng gỗ sưa (một loại gỗ có giá trị rất đắt đỏ).
 
Phát biểu trước báo giới về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên nói, “Chuyện này cũng khó mà trả lời được vì Chính phủ không có nhiệm vụ cụ thể này, cũng chưa có bất cứ thông tin nào ngoài báo chí”.
 
Tuy nhiên, trên quan điểm cá nhân, Bộ trưởng chia sẻ, câu chuyện này có hai vấn đề cần suy nghĩ.
 
Thứ nhất, theo Bộ trưởng, đây là câu chuyện của một con người từng là cán bộ lãnh đạo ở cơ quan Trung ương đã về hưu, hiện là Đảng viên đang sinh hoạt ở một tổ chức cơ sở theo quy định của Đảng. Quy định đối với tổ chức cơ sở Đảng là rất chặt chẽ đối với cả những người đang công tác lẫn khi đã về hưu – Bộ trưởng nhấn mạnh.
 
“Trách nhiệm của một Đảng viên khi có vấn đề do công luận báo chí đặt ra là phải hợp tác tốt để làm rõ. Tôi nghĩ, qua theo dõi trên mạng và báo chí, ông Truyền cũng sẵn sàng hợp tác với các cơ quan có trách nhiệm, nhất là báo chí để giải trình làm rõ việc này”, Bộ trưởng nhận xét.
 
Thứ hai, ông Truyền là một công dân, được pháp luật bảo vệ. “Nói gì thì nói, ta phải tôn trọng quyền công dân của ông. Khi nói có thể chúng ta suy diễn mặt này mặt khác, đó là quyền của chúng ta, nhưng khi đặt vấn đề nói về một con người, ta nên suy nghĩ có mức độ để sau đó, các cơ quan có trách nhiệm sẽ tham gia, vào cuộc, bản thân ông cũng có trách nhiệm giải trình làm rõ để đưa ra kết luận thực hư thế nào. Nếu vượt qua mức đó thì sẽ tạo ra những rắc rối không cần thiết”.
 
Bộ trưởng còn cho rằng, câu chuyện này cũng không dừng lại ở câu chuyện của riêng ông Truyền mà là câu chuyện chung. 
 
Theo đó, các cán bộ dù ở bất cứ cương vị nào cũng phải soi rọi, xem xét, để thấy người dân luôn đặt kỳ vọng, luôn có niềm tin vào các cán bộ dù đang làm việc hay đã nghỉ hưu, từ đó có cách sống và hành động cho đúng với niềm tin đó – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên nói với góc độ cá nhân.
 
Bích Diệp
Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *