Thời sự 02/04/2015 20:27

Lợi nhuận các ngân hàng giảm gần 26% trong năm 2014

FICA – Đây là kết quả tổng hợp số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia từ các ngân hàng. Theo Ủy ban, các thương vụ sáp nhập thời gian tới kỳ vọng sẽ nhiều điểm mới, kịch tính hơn, sẽ làm thay đổi thứ hạng và thị phần trên thị trường ngân hàng.

Theo nhận định của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG), nhìn chung trong quý đầu năm, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã được duy trì tốt. Lãi suất VND và USD trên thị trường liên ngân hàng được duy trì ổn định.

Bên cạnh đó, theo Ủy ban, xu hướng cắt giảm lãi suất huy động đã không ảnh hưởng đến tiền gửi nội tệ của khách hàng (tính đến 24/02/2015 tăng 0,96% so với đầu năm). Nguyên nhân là tỷ lệ lạm phát đã giảm 1,5 điểm % (từ mức 1,84% trong tháng 12/2014 xuống 0,34%/năm trong tháng 2/2015), giúp duy trì lãi suất thực.

Cũng trong quý I, xu hướng sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng diễn ra mạnh mẽ. Các thương vụ sáp nhập thời gian tới kỳ vọng sẽ nhiều điểm mới, kịch tính hơn, sẽ làm thay đổi thứ hạng và thị phần trên thị trường ngân hàng.

Do quá trình tái cơ cấu, lợi nhuận hệ thống ngân hàng có xu hướng giảm. Năm 2014, lợi nhuận bình quân hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) giảm 25,8% so với cùng kỳ năm 2013.

Việc thông tư 36 có hiệu lực đã không có ảnh hưởng lớn tới thị trường chứng khoán (TTCK), một phần do ảnh hưởng này đã xảy ra từ trước khi Thông tư có hiệu lực. Từ đầu năm đến ngày 17/3/2015, VNIndex tăng 6,62%; HNX Index tăng 2,87% và thị trường đã khôi phục lại mức 600 điểm.

UBGSTCQG nhận định, từ nay đến cuối năm, dòng tiền trong nước sẽ chảy vào thị trường mạnh hơn nếu VN Index vượt 600 điểm.

Ủy ban cho biết, theo kế hoạch sắp xếp, đổi mới, trong năm 2015 số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cần cổ phần hóa là 432 (so với 143 đã được CPH trong năm 2014) và số vốn đầu tư ngoài ngành cần thoái gần 15.000 tỷ đồng (so với 6.000 tỷ đồng đã thoái vốn trong năm 2014).

Theo đánh giá của Ủy ban, khả năng hoàn thành kế hoạch trên trước hết phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của thị trường vốn. Để thị trường chứng khoán tăng vững cần có sự tham gia tích cực của cả dòng tiền ngoại và dòng tiền trong nước. Tuy nhiên, dòng tiền trong nước chảy vào thị trường khó tăng mạnh khi hoạt động ký quỹ khó tăng mạnh như trước khi Thông tư 36 có hiệu lực.

Do đó, UBGSTCQG cho rằng, Chính phủ cần có các chính sách thu hút dòng tiền ngoại vào thị trường, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào những ngành nghề không thuộc lĩnh vực cấm kinh doanh; nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp, đặc biệt đối với các lĩnh vực ngành nghề mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối. Bên cạnh đó, để thị trường vốn hoạt động hiệu quả hơn, việc tiếp tục cải cách thủ tục, tăng cường minh bạch, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xếp hạng doanh nghiệp uy tín là cần thiết.

Ủy ban cũng đề nghị, cần tăng cường phối hợp chính sách tài khóa tiền tệ để bảo đảm tổng cung tín dụng cho nền kinh tế. Từ nay đến cuối năm, cần đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư Nhà nước, góp phần đảm bảo mức tổng đầu tư toàn xã hội cho mục tiêu tăng trưởng. Đồng thời, căn cứ vào diễn biến tình hình lạm phát, chính sách tiền tệ cũng cần điều chỉnh lãi suất và cung tiền phù hợp để một mặt đảm bảo mục tiêu ổn định tỷ giá một mặt đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, hỗ trợ phát hành trái phiếu Chính phủ.

Bích Diệp

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *