Cổ phần hóa, mỗi ngày phải “xong” 1 doanh nghiệp

FICA - Mục tiêu của hai năm 2014 – 2015 phải cổ phần hóa hơn 432 doanh nghiệp (DN), tổng công ty, tập đoàn. Hết quý I/2015, con số DN chưa được cổ phần hóa (CPH) còn tồn đọng 289 DN.

Nhiệm vụ của 9 tháng cuối năm, mỗi tháng sẽ phải hoàn thành CPH hơn 32 DN, mỗi ngày trung bình phải CPH 1 DN.

 

Báo cáo tại Hội nghị phổ biến một số quy định mới về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán ngày 1/4, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK NN) Vũ Bằng khẳng định, tốc độ Cổ phần hóa (CPH) và thoái vốn các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) năm 2014 khá “ấm áp” . Tuy nhiên, nhiệm vụ CPH những tháng còn lại cuối năm 2015 rất khó khăn và nặng nề.

 

 

Theo UBCK, DNNN đã thực hiện thoái vốn và đấu giá thành công trên 11.400 tỉ đồng, gấp 8 lần so với năm 2013 và gấp 3 lần của cả 3 năm trước đó.

 

Tính đến hết quý 1/2015, 29 DN (3 Tổng công ty nhà nước và 26 DN) được phê duyệt phương án cổ phần hóa, 260 DN còn lại đều đã thành lập Ban chỉ đạo, trong đó, 207 DN đang tiến hành xác định giá trị DN, 81 DN đã có quyết định công bố giá trị DN.

 

Cũng theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong 3 tháng đầu năm, có 27 DNNN thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu và thoái vốn thông qua 2 Sở giao dịch chứng khoán (bằng 28% số lượng cả năm 2014 là 97 DN).

 

Trao đổi với báo giới, ông Hoàng Văn Phu, Phó cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính): “Số lượng còn quá lớn, trong khi phần lớn các DN đều là công ty mẹ các tập đoàn và mô hình công ty mẹ - công ty con, do đó việc CPH sẽ phức tạp và không dễ dàng”.

 

Đặc biệt,Tổng công ty Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước  (SCIC) đang có nhiệm vụ bán hết số cổ phần Nhà nước tại hơn 300 DN trong năm 2015. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Nguyên Học,  Phó tổng giám đốc SCIC, hết quý I/2015, SCIC mới bán được phần vốn Nhà nước tại hơn 22 DN, đạt 7%, còn hơn 90% DN “ế”.

 

“Từ nay đến cuối năm, mỗi ngày SCIC phải bán bình quân 1 DN. Đây là nhiệm vụ rất lớn và vô cùng khó khăn”, ông Học cho biết. Cũng theo ông Học, nguyên nhân chính của nút thắt này chính là việc cổ phần không thu hút được nhà đầu tư tham gia.

 

Để hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa số lượng DN còn lại, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty cần phải nỗ lực thực hiện nghiêm chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, đồng thời áp dụng linh hoạt, chủ động các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn đã được ban hành”, ông Thu nhấn mạnh.

 

“Mặc dù Thủ tướng đã quyết định cho phép SCIC được bán CP tại các DN thấp hơn mệnh giá tuy nhiên SCIC vẫn chưa được chủ động để thoái, bán vốn. SCIC mua lại CP của các DN hoặc mua lại phần vốn đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, điều kiện để mua lại là sau khi DN bán đấu giá không được, bán thỏa thuận không xong. Bên cạnh đó, SCIC chỉ mua lại khi Ngân hàng Nhà nước không xử lý được, không nhận về và không bán chỉ định được cho ngân hàng thương mại nào.

 

Nguyễn Tuyền

 

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *