Thời sự 14/02/2021 07:37

Hy vọng mới từ vắc xin Covid-19, GDP Việt Nam năm 2021 có thể tăng 7,1%?

Chuyên gia tin rằng việc tiêm chủng vắc xin Covid-19 kể từ quý 1/2021 sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phục hồi bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong những quý tiếp theo.

Điểm sáng của nền kinh tế trong tháng đầu tiên năm 2021

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1 tuy giảm 3,2% so với tháng trước nhưng tăng tới 22,2% so với cùng kỳ năm trước.

Theo VNDirect, mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ có nguyên nhân chính là thời điểm tháng 1 năm ngoái trùng với lịch nghỉ Tết Âm lịch, do đó sản lượng công nghiệp trong kỳ đó đạt mức thấp.

Trong khi đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 1/2021 giảm nhẹ xuống 51,3 điểm từ mức 51,7 điểm của tháng 12/2020, song vẫn nằm trên mức 50 điểm, cho thấy hoạt động sản xuất tiếp tục được mở rộng trong tháng vừa qua.

Hy vọng mới từ vắc xin Covid-19, GDP Việt Nam năm 2021 có thể tăng 7,1%? - 1

30 triệu liều vắc xin Covid-19 dự kiến được phân phối tại Việt Nam từ quý 1/2021 (ảnh: AFP)

Đối với các phân ngành nhỏ hơn, một số ngành tăng trưởng tích cực trong kỳ như sản xuất than cốc và sản phẩm dầu mỏ tinh chế (tăng 18,9% so với tháng trước), khai thác than cứng và than non (tăng 6,1%), sản xuất thiết bị điện (tăng 4,7%) và sản xuất đồ nội thất (tăng 2,3%).

Ngược lại, các ngành như khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiê, sản xuất xe có động cơ, sản xuất điện tử và sản xuất thực phẩm chứng kiến sự suy giảm hoạt động trong tháng 1/2021.

Ngành dịch vụ khởi động năm mới tương đối tích cực với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2021 đạt 480.000 tỷ đồng, tăng mạnh 3,6% so với tháng trước và 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá, mức tăng trưởng tháng 1/2021 đạt 6,7% so với cùng kỳ.

Cụ thể hơn, doanh thu dịch vụ và ăn uống tăng 2,7% so với tháng trước, doanh thu lữ hành tăng nhẹ 0,7%. Đây là những phân ngành dịch vụ chịu tác động lớn nhất từ dịch Covid- 19 và ghi nhận mức phục hồi tương đối chậm trong thời gian vừa qua.

Yếu tố bất định của nền kinh tế xuất hiện khi Covid-19 trở lại lần thứ ba

Bắt nguồn từ thành phố Chí Linh (Hải Dương) từ ngày 27/1/2021, đợt bùng phát dịch Covid- 19 lần thứ ba đã lây lan đến 10 địa phương, với 276 trường hợp lây nhiễm tính đến ngày 1/2/2021.

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, giải mã trình tự gen cho thấy 12 trong số 276 bệnh nhân mới phát hiện là dương tính với biến thể mới Covid-19 xuất hiện tại Anh.

Trong báo cáo vĩ mô tháng 1/2021 vừa mới phát hành, các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng, đợt bùng phát Covid- 19 mới sẽ làm chậm đà phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong hai tháng tới.

Theo đó, ngành dịch vụ được cho là sẽ chịu tác động mạnh nhất bởi làn sóng Covid- 19 thứ ba này.

Thứ nhất, sự phục hồi của ngành du lịch có thể bị chững lại do làn sóng Covid-19 mới. Báo cáo từ các công ty du lịch và hàng không cho thấy nhiều du khách đã hủy đặt chuyến bay và đặt phòng khách sạn, hoặc tạm hoãn kế hoạch của họ vì sợ bị lây bệnh khi đi du lịch.

Thứ hai, việc phong tỏa thành phố Chí Linh và đóng cửa một số dịch vụ không thiết yếu ở các tỉnh, thành phố khác có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng của một số phân ngành dịch vụ, đặc biệt là phân ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch và giải trí.

Tuy nhiên, theo dự báo của VNDirect, lĩnh vực sản xuất lại ít bị ảnh hưởng do làn sóng Covid-19 thứ ba.

"Chúng tôi tin tưởng vào sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu trong những tháng tới nhờ có vắc xin, đem lại nhiều đơn đặt hàng hơn cho các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam" - nhóm phân tích cho hay.

Vắc xin đem lại niềm hy vọng mới

Bộ Y tế đã phê duyệt vắc xin AstraZeneca sử dụng trong trường hợp dịch bệnh khẩn cấp. Đây là vắc xin phòng chống virus corona đầu tiên được phê duyệt tại Việt Nam.

Cụ thể, AstraZeneca và Công ty Cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC) đang hợp tác để phân phối khoảng 30 triệu liều vắc xin Covid-19 tại Việt Nam, từ quý 1/2021.

Dữ liệu thực tế cho thấy các biện pháp ngăn cách xã hội kết hợp với tiêm chủng vắc xin đại chúng đã phần nào ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 và giảm số lượng ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới.

Hy vọng mới từ vắc xin Covid-19, GDP Việt Nam năm 2021 có thể tăng 7,1%? - 2

Số ca lây nhiễm mới trên toàn cầu giảm mạnh trong những ngày gần đây nhờ các biện pháp giãn cách xã hội và tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19

Do đó, nhóm phân tích tin rằng việc tiêm chủng vắc xin Covid-19 kể từ quý 1/2021 sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho sự phục hồi bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong những quý tiếp theo.

Theo VNDirect, bức tranh kinh tế Việt Nam trong tháng 1/2021 bao gồm cả tiềm năng tăng trưởng lẫn rủi ro tiềm ẩn, và sẽ cần thêm thời gian để quan sát và định lượng các tác động tiềm tàng đối với triển vọng nền kinh tế.

Hy vọng mới từ vắc xin Covid-19, GDP Việt Nam năm 2021 có thể tăng 7,1%? - 3

Dự báo các chỉ tiêu vĩ mô chính trong năm 2021

Nhìn chung, các chuyên gia vẫn tin rằng nền tảng tế vĩ mô của Việt Nam sẽ tiếp tục được củng cố với thặng dư tài khoản vãng lai, thặng dư thương mại lớn, dự trữ ngoại hối tiếp tục gia tăng và áp lực lạm phát giảm; những bước đệm này sẽ giúp Việt Nam đối phó với những rủi ro bên trong lẫn bên ngoài.

Nhóm phân tích của VNDirect giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của nền kinh tế Việt Nam ở mức cao: 7,1%.

Mai Chi

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *