Thời sự 22/01/2020 08:51

"EVFTA sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 0,48 điểm phần trăm"

Các ngành như Dệt may và Giày dép là những ngành sẽ hưởng lợi nhiều nhất với tăng trưởng xuất khẩu đến năm 2035 đạt thêm 13,49 tỷ EUR.

 

Ngày 21/01/2020 từ 9:00-12:30 giờ (GMT +1) (từ 15:00-18:30 theo giờ Việt Nam GMT+7), Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu (INTA) tiến hành biểu quyết việc đệ trình hiệp định EVFTA lên Nghị viện châu Âu (INTA).

Theo dự thảo của bản đệ trình, INTA đã chỉ ra những lợi ích về kinh tế khi ký kết hiệp định EVFTA, trong đó INTA đánh giá Việt Nam đã cải thiện tương đối tích cực quyền của người lao động.

Bản dự thảo cũng bao gồm ý kiến của Ủy ban về Phát Triển và Thủy sản (DEVE and PECH committees) cũng tương đối tích cực.

Theo lộ trình, vào tháng 2/2020, Nghị viện châu Âu sẽ tiến hành biểu quyết dựa trên đệ trình từ INTA. Nếu Nghị viện EU thông qua thì hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực trong vòng 1 tháng kể từ thời điểm Việt Nam và EU thông báo các thủ tục pháp lý hoàn tất.

Riêng hiệp định IPA sẽ khó khăn hơn khi cần được sự đồng thuận của tất cả các thành viên trong khối EU. Quá trình phê chuẩn IPA được dự báo sẽ mất thời gian và có thể kéo dài đến trên 3 năm.

Trong báo cáo phân tích thị trường vừa công bố, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vẫn nghiêng về khả năng Nghị viện Châu Âu sẽ thông qua hiệp định EVFTA vào tháng 2/2020. Tuy nhiên, điều bất ngờ đã xảy ra khi Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA) được thông qua với số phiếu 29/40, trong khi Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EU - Việt Nam (EVIPA) có 26 phiếu thuận.

Theo dự báo, hiệp định EVFTA nếu được ký kết thành công sẽ giúp tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng thêm 0,48 điểm phần trăm. Các ngành như Dệt may và Giày dép là những ngành sẽ hưởng lợi nhiều nhất với tăng trưởng xuất khẩu đến năm 2035 đạt thêm 13,49 tỷ EUR. Tiếp theo là xuất khẩu các loại Thực phẩm và Dịch vụ kinh doanh, được dự kiến sẽ tăng thêm 794 triệu EUR và 543 triệu EUR.

Mai Chi

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *