Đầu tư 18/04/2014 21:05

Rút đăng cai ASIAD, Hà Nội tiết kiệm bao nhiêu nghìn tỷ đồng?

FICA - Từ 2014-2020, Hà Nội dự kiến lấy 750ha đất, đầu tư 8.000 nghìn tỉ đồng phát triển TDTT, trong đó ưu tiên vốn cho các công trình cấp bách phục vụ ASIAD18. Nay Việt Nam rút đăng cai ASIAD, Hà Nội sẽ điều chỉnh kế hoạch đó và tiết kiệm bao nhiêu nghìn tỉ đồng?

Kỳ họp thứ 8 HĐND thành phố Hà Nội cuối năm 2013 đã thông qua Quy hoạch phát triển thể dục thể thao thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng 2030, trong đó nội dung quan trọng là việc phát triển nguồn nhân lực và cơ sở vật chất để tổ chức Đại hội Thể thao châu Á XVIII (ASIAD 18) diễn ra tại Hà Nội vào năm 2019.

Kế hoạch nghìn tỷ

Trong quy hoạch đầu tư cho thể thao Hà Nội chỉ rõ, vào năm 2019, tại ASIAD18, Hà Nội phấn đấu chiếm 30 - 35% trong tổng số vận động viên đoàn Việt Nam. Thể thao Hà Nội cũng quyết tâm đóng góp tích cực để toàn đoàn thể thao Việt Nam đoạt vị trí xếp hạng từ thứ 10 đến thứ 6 trong tổng số các nước tham dự.

Việt Nam chính thức xin rút đăng cai ASIAD 18

Vì vậy, Hà Nội sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực thể thao, trong đó ưu tiên tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện và phát triển đội ngũ vận động viên thành tích cao. Những môn có khả năng đạt huy chương tại ASIAD 18 sẽ được tập trung đầu tư. Đoàn vận động viên thể thao Hà Nội phấn đấu có tối thiểu 5 huy chương vàng tại ASIAD 18. Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế để ưu tiên đào tạo trọng tài phục vụ ASIAD 18.

Trong quy hoạch, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, tổng diện tích đất cơ sở TDTT là 1.834ha, tăng thêm 748ha so với năm 2010. Hà Nội cho biết, diện tích đất tăng thêm chủ yếu dành cho các công trình phục vụ ASIAD 18.

Theo UBND thành phố Hà Nội dự báo, nhu cầu vốn cho thực hiện Quy hoạch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 từ 18.200 - 19.500 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2014 đến 2015 là 1.700 tỷ đồng, giai đoạn 2016 đến 2020 cần từ 5.800 - 6.300 tỷ đồng và giai đoạn 2021 đến 2030 từ 10.700 - 11.500 tỷ đồng.

Với số tiền đầu tư trong giai đoạn từ 2014 - 2020, Hà Nội định hướng sẽ tập trung ưu tiên cho các công trình cấp bách phục vụ ASIAD 18. Trong đó, tổng số vốn đầu tư thời kỳ 2016 đến 2020 là1.084 tỷ đồng cho việc cải tạo, nâng cấp các công trình (cấp thành phố và các nhà thi đấu thuộc Trung tâm thể thao quận, huyện, thị xã) phục vụ tổ chức ASIAD 18.

Điều chỉnh kế hoạch

Trao đổi với phóng viên Dân trí, về quyết định rút đăng cai ASIAD của Thủ tướng, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, thành phố sẽ điều chỉnh lại kế hoạch đầu tư cho phù hợp với điều kiện thực tế.

“Nếu như ASIAD 18 vẫn diễn ra ở Hà Nội, chúng tôi sẽ tập trung lực lượng, tiền bạc để phục vụ công tác tổ chức và huấn luyện lực lượng vận động viên để Việt Nam đoạt vị trí xếp hạng từ thứ 10 đến thứ 6 trong tổng số các nước tham dự. Nay Việt Nam không tổ chức nữa chúng tôi sẽ điều chỉnh kế hoạch đó”, ông Tô Văn Động nói.

Theo ông Động, quy hoạch trên cũng mới chỉ là tầm nhìn mang tính chất dài hơi. Còn đến thời điểm này, Hà Nội chưa có kế hoạch cụ thể. Do vậy, việc điều chỉnh không gặp nhiều khó khăn. Hà Nội cũng sẽ chờ mục tiêu cụ thể của ngành thể thao đặt ra cho đoàn Việt Nam khi tham dự ASIAD 18 (diễn ra ở nước khác) đoạt bao nhiêu huy chương, đứng ở vị trí nào để từ đó mới điều chỉnh kế hoạch đầu tư lực lượng hợp lý.

Ông Động cho hay, dù Việt Nam có đăng cai ASIAD hay không thì sự nghiệp thể thao ở Hà Nội vẫn được đầu tư. Thế nhưng sự khác biệt ở đây chính là “độ vênh” khi đầu tư “nước rút” về tiền bạc, nhân lực để phục vụ công tác tổ chức và mục tiêu đứng thứ 10 các nước tham dự ASIAD 18. “Quyết định không đăng cai ASIAD 18 đã được đưa ra, do vậy những vấn đề mang tính “đột biến” đó sẽ không được đưa vào quy hoạch phát triển thể thao của Hà Nội nữa”, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cho hay.

Ông Động cho biết, thời gian tới Hà Nội sẽ xin ý kiến các sở ngành liên quan để sớm được điều chỉnh quy hoạch trên.

Từ tháng 11/2012, Hội đồng Olympic châu Á (OCA) công bố Việt Nam sẽ là chủ nhà của ASIAD 18, diễn ra vào năm 2019. Từ thời điểm được quyền đăng cai ASIAD 18 đến nay, có nhiều lo ngại về kinh phí tổ chức đại hội thể thao này.

Ngày 17/4 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Bộ Ngoại giao và UBND thành phố Hà Nội khẩn trương làm việc với Hội đồng Olympic châu Á (OCA) và các đối tác liên quan để có phương án phù hợp rút quyền đăng cai, không tổ chức ASIAD 18 tại Hà Nội. Việt Nam sẽ xin đăng cai tổ chức ASIAD vào thời điểm thích hợp.

Quang Phong

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *