Thời sự 08/08/2018 13:14

Đấu thầu qua mạng: Hơn 2.000 đợt đào tạo, năng lực cán bộ vẫn hạn chế

Khai trương từ năm 2009, hệ thống đấu thầu qua mạng được triển khai thực hiện trên thực tế, dù số dự án được đấu thầu đang tăng mạnh, song theo lãnh đạo Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ KH&ĐT: Khó khăn lớn nhất hiện nay là năng lực cán bộ làm về công tác đấu thầu vẫn còn hạn chế dù đã có hơn 2.000 đợt đào tạo.

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT tại Diễn đàn Đấu thầu qua mạng Việt Nam năm 2018 đang diễn ra tại Hà Nội ngày 8/8/2018.

Diễn đàn Đấu thầu qua mạng Việt Nam năm 2018, nhiều vấn đề đang đặt ra thách thức cho việc minh bạch hoá đấu thầu ở Việt Nam.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý đấu thầu nêu rõ, hiện nay đấu thầu qua mạng còn gặp các khó khăn về hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật xử lý, năng lực cán bộ thực thi.

Hạn chế lớn nhất của đấu thầu qua mạng hiện nay là hệ thống kỹ thuật và năng lực cán bộ quản lý. "Kỹ thuật thì Việt Nam ứng dụng hệ thống đấu thầu qua mạng từ năm 2009 theo thiết kế của Hàn Quốc, hệ thống này chỉ hoạt động trên nền tảng Internet Explorer mà không sử dụng được các trình duyệt mã nguồn mở của Firefox, Chrome, IOS hay Android...

Đặc biệt, theo ông Tuấn: Khó khăn nhất hiện nay là năng lực cán bộ còn hạn chế, cho dù có 2.000 đợt đào tạo cho cán bộ rồi nhưng năng lực thực thi vẫn hạn chế.

"Hệ thống đấu thầu qua mạng như bản thân con người, có thể hình nhưng trí lực hạn chế, khiến những nền tảng đạo đức và việc góp ích cho xã hội cũng bị hạn chế", ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông này cho rằng: Hiện đấu thầu qua mạng dù có nhiều ưu điểm song nhận thức về vấn đề này của toàn xã hội còn hạn chế. Tính minh bạch cao song nhiều người vẫn chưa có niềm tin hoặc nhiều dự án của các bộ, ngành chưa muốn đấu thầu qua mạng.

Theo Trung tâm đấu thầu qua mạng quốc gia (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), 7 tháng đầu năm có gần 9.000 gói thầu được áp dụng đấu thầu qua mạng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2017. Dự kiến hết năm 2018 sẽ có khoảng 15.000 gói thầu được thực hiện qua mạng.

Ông Tuấn cho hay, hiện tỷ lệ tiết kiệm chi phí nhờ đấu thầu qua mạng theo thống kê của Cục Quản lý Đấu thầu là 9%, cao hơn so với 6% đấu thầu qua hồ sơ giấy. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là tính minh bạch và không có góc khuất trong đấu thầu các dự án của cơ quan, đơn vị.

Ông này cho rằng, đấu thầu hiện nay đã đạt hơn 23.000 chủ đầu tư đăng ký tham gia, tỷ lệ này là bước tiến nổi bật. Hệ thống đấu thầu qua mạng là nền tảng cối lõi, diễn ra toàn bộ quy trình từ đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thông báo mời thầu và hồ sơ thầu, nhận hồ sơ dự thầu đến thông báo kết quả trúng.

Đấu thầu qua mạng có thể giảm thiểu các hành vi tiêu cực, gian lận hay thông đồng hay cản trở xảy ra trong hoạt động đấu thầu. Khi tham gia đấu thầu qua mạng, thông tin về số lượng, danh tính các nhà thầu đều được đảm bảo mật tuyệt đối trước thời điểm mở thầu. Sau đó, mọi thông tin về gói thầu đó sẽ được công khai.

Theo Quyết định 1402/2016 của Thủ tướng, kế hoạch phát triển đấu thầu qua mạng quốc gia phấn đấu đến năm 2025, 100% các thông tin đấu thầu phải đăng tải công khai trên hệ thống.

Tương tự 100% hoạt động mua sắm thường xuyên phải đấu thầu qua mạng và tối thiểu 70% các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu phải thực hiện trên hệ thống đấu thầu quốc gia.

Nguyễn Tuyền

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *