Thời sự 30/11/2013 15:42

Đang có nhà đầu tư ngoại “thương thảo” mua cổ phần VPBank

FICA- “Hiện tại đã có một số nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng đang rất quan tâm, đã tiếp xúc và thương thảo với VPBank”, Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh chia sẻ sau sự kiện OCBC thoái vốn tại ngân hàng này.

Giao dịch tại VPBank.

Trong vòng 1 năm qua, cả OCBC và Công ty CP Châu Thổ (cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 14,99% vốn) đã thoái vốn tại VPBank. Ông vui lòng chia sẻ về nguyên nhân và ý kiến về việc này?

Các nhà đầu tư thường có lý do riêng khi tiến hành đầu tư vào một tổ chức nào đó, có khi là vì mục tiêu lợi nhuận, vì mục tiêu củng cố hình ảnh hoặc là cách thức thâm nhập một thị trường mới…Với bất cứ lý do gì thì việc thoái vốn có thể xảy ra khi các nhà đầu tư cũng đã đạt được một trong số các mục tiêu của mình hoặc xác định chắc chắn không thể đạt được mục tiêu của mình.

Trong những năm vừa qua môi trường kinh tế vĩ mô cũng như ngành ngân hàng có nhiều biến động, điều này dẫn đến việc các bên đều phải xây dựng, điều chỉnh và triển khai những chiến lược phát triển kinh doanh mới, do đó chiến lược phát triển của các bên cũng không còn phù hợp.

OCBC đã đồng hành cùng VPBank trong một giai đoạn dài, tuy nhiên, từ cuối năm 2010, đầu năm 2011, OCBC đã rút toàn bộ đại diện của mình ở HĐQT và Ban điều hành VPBank. Bản thân VPBank trong những năm gần đây đã bước vào công cuộc chuyển đổi mạnh mẽ, các chiến lược quan trọng cũng đã được đưa ra với sự tư vấn của công ty tư vấn hàng đầu thế giới.

Việc thoái vốn này có ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của VPBank?

 

OCBC chuyển nhượng cổ phiếu VPBank là chuyển nhượng cổ phiếu phổ thông trên thị trường thứ cấp, Bên cạnh đó, VPBank cũng đã có những chiến lược và kế hoạch phát triển mạnh mẽ và độc lập trong thời gian qua. Do đó, việc chuyển nhượng này không làm ảnh hưởng tới vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu, tình hình tài chính, định hướng chiến lược cũng như các hoạt động của Ngân hàng.

Hội đồng quản trị VPBank ủng hộ việc cổ đông OCBC chuyển nhượng cổ phần, vì việc này sẽ giải phóng giới hạn góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài tại VPBank, ngân hàng có cơ hội kết hợp cùng các đối tác chiến lược mới phù hợp với mục tiêu chiến lược phát triển trong thời gian tới.

 

Số cổ phiếu này theo thông báo sẽ được bán lại cho các nhà đầu tư cá nhân. Theo ông, việc bán cho các nhà đầu tư cá nhân có ưu thế gì hơn hay hạn chế hơn so với việc bán cho 1 đối tác chiến lược lớn như OCBC trước kia?

Đa số các công ty đại chúng tại Việt Nam đều có tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư cá nhân cao hơn của nhà đầu tư tổ chức và trong mỗi hoàn cảnh mối quan hệ giữa cổ đông và tổ chức có thể khác nhau.

Chúng tôi luôn đánh giá cao vai trò của các cổ đông chiến lược là tổ chức vì một tổ chức thì họ có nhiều điều kiện để có những hỗ trợ cho các mảng hoạt động của ngân hàng sâu hơn. Do đó, chúng tôi luôn sẵn sàng hợp tác với các đối tác có chiến lược phù hợp, và điều này đang diễn ra tại VPBank.

 

Sau khi OCBC thoái vốn, VPBank có ý định tìm đối tác chiến lược là nhà đầu tư nước ngoài nữa không và đã xúc tiến đến đâu? Hiện nay, xu hướng tại Việt Nam cho thấy, các ngân hàng trong nước bán vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài trong khu vực. VPBank có là ngoại lệ? Tiêu chí mà VPBank đặt ra để thu hút nhà đầu tư ngoại là gì?

Gần đây, Chính phủ đang dự thảo một Nghị định cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tới 30% vốn điều lệ của các TCTD, OCBC mới sở hữu 14,88% vốn điều lệ VPBank, do đó chúng tôi luôn có lợi thế hơn trong quá trình tiếp xúc, tìm kiếm các đối tác nước ngoài. Lợi thế này của VPBank càng tăng thêm sau khi OCBC bán hết 14,88% cổ phần tại VPBank.Hiện tại đã có một số nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng đang rất quan tâm, đã tiếp xúc và thương thảo với VPBank.

-          Xin cảm ơn ông!

 

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *