Thời sự 17/05/2021 20:36

Bùng phát Covid-19 lần thứ tư, Việt Nam có thể cần gói tài khoá hỗ trợ?

Theo khuyến nghị của WB, Chính phủ có thể cần xem xét thúc đẩy nhu cầu trong nước bằng cách áp dụng chính sách tài khóa thích ứng hơn, trong đó có các biện pháp tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng.

Kinh tế sẽ bị ảnh hưởng đáng kể do Covid-19 bùng phát trở lại

Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 4/2021, Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh đến việc Việt Nam đang trải qua đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ tư. Đợt bùng phát này đang ảnh hưởng đến nhiều vùng và ba thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng.

Theo ghi nhận của WB, các cơ quan chức năng đã ngay lập tức tăng cường các biện pháp hạn chế đi lại và phòng ngừa về y tế công cộng như đóng cửa trường học. Các biện pháp truy vết, xét nghiệm và cách ly tiếp tục được thực hiện.

Tính đến 6h ngày 18/5, Việt Nam có tổng cộng 2.909 ca ghi nhận trong nước và 1.469 ca nhập cảnh. Trong đó, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 1.339 ca.

Tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 đã tăng tốc vào tháng 4, với 506.000 liều được tiêm, so với khoảng 50.000 liều vào cuối tháng 3. Chính phủ thông báo sẽ phân bổ 12.100 tỷ đồng (hơn 520 triệu USD) để mua thêm vắc xin Covid-19.

Cũng theo WB, trước khi xuất hiện làn sóng dịch Covid-19 thứ tư, mức độ di chuyển đã được cải thiện nhanh chóng, nhưng đang giảm xuống do những biện pháp hạn chế mới.

Trong phần lớn thời gian của tháng 4, hầu hết các chỉ số di chuyển được cải thiện đáng kể khi đợt bùng phát Covid-19 thứ ba được kiểm soát. Các chỉ số này cũng tăng đột biến vào cuối tháng khi Việt Nam bước vào đợt nghỉ lễ dài thứ hai trong năm (30/4-1/5). Tuy nhiên, các chỉ số này đang giảm xuống trong tháng 5 do thắt chặt các biện pháp hạn chế đi lại.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 1,1% so với tháng trước và 24,1% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 4/2021. Tuy nhiên, WB cũng lưu ý rằng, tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái phần lớn xuất phát từ hiệu ứng cơ sở thấp do hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt giãn cách liên quan đến đại dịch vào tháng 4/2020.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng cũng phản ánh sự phục hồi của tiêu dùng trong nước bên cạnh nhu cầu cao về các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao từ khu vực kinh tế đối ngoại.

Các phân ngành năng động nhất bao gồm đồ uống, quần áo và thiết bị gia dụng, kim loại cơ bản, điện tử, máy tính và sản phẩm quang học, và máy móc, thiết bị.

Chỉ số PMI tăng từ 53,6 trong tháng 3 lên 54,7 trong tháng 4, đánh dấu sự tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo trong 6 tháng liên tiếp.

Theo đánh giá của WB, đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ tư đã làm gia tăng mạnh các ca nhiễm trong cộng đồng, buộc Chính phủ phải đóng cửa trường học ở nhiều tỉnh và tái áp dụng các biện pháp phòng ngừa về y tế và hạn chế đi lại.

Các hoạt động kinh tế trong nước sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là các lĩnh vực như du lịch, vận tải và bán lẻ, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát này và mức độ ứng phó nhanh chóng của Chính phủ.

“Nếu đợt dịch này tác động mạnh, Chính phủ có thể cần xem xét thúc đẩy nhu cầu trong nước bằng cách áp dụng chính sách tài khóa thích ứng hơn, trong đó có các biện pháp tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng” - chuyên gia WB khuyến nghị.

Mai Chi

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *