Chứng Khoán 18/05/2021 07:31

Giới đầu tư ồ ạt chốt lời, cổ phiếu ngân hàng bầu Hiển vẫn tăng “chóng mặt”

Tiếp tục là một phiên giao dịch rất căng thẳng với nhà đầu tư ngay từ đầu tuần. Tuy diễn biến trong phiên cho thấy dòng tiền vào thị trường vẫn tích cực song bên bán vẫn “thắng” khi đẩy chỉ số chính rơi vào trạng thái giảm vào cuối phiên.

Giá cổ phiếu SHB vẫn tăng mạnh bất chấp thị trường chịu áp lực bán chốt lời.

Cụ thể, VN-Index đóng cửa giảm 7,66 điểm tương ứng 0,6% còn 1.258,7 điểm; VN30-Index giảm 8,66 điểm tương ứng 0,63% còn 1.371,36 điểm. Trong khi đó, HNX-Index vẫn tăng 2,06 điểm tương ứng 0,7% lên 296,79 điểm và UPCoM-Index giảm 0,58 điểm tương ứng 0,71% còn 80,42 điểm.

Sở dĩ HNX-Index vẫn tăng trong bối cảnh thị trường “đỏ lửa” là nhờ vào SHB. Mã này gần như “cân” toàn sàn HNX với mức đóng góp cho chỉ số tới 2,42 điểm dù cuối phiên đã thu hẹp biên độ tăng.

Cụ thể, SHB tăng 3,8% lên 29.700 đồng, khớp lệnh “khủng” 40,15 triệu đơn vị và trong phiên có lúc mã này được giao dịch ở mức giá 31.200 đồng. Đây là phiên thứ 4 liên tiếp SHB tăng giá, trong đó, mã này đã tăng trần ở hai phiên 13/5 và 14/5.

Đến nay, cổ phiếu ngân hàng của bầu Hiển đã tăng giá gần 24% chỉ trong 1 tuần và tăng đến 220% so với đáy hồi tháng 7/2020.

Nhìn chung trên toàn thị trường, áp lực chốt lời đang đè nặng lên nhóm cổ phiếu bluechips sau khi nhóm này hầu hết đạt được mức tăng tốt trong những phiên giao dịch trước đó.

“Chốt lời không bao giờ sai. Khi thị trường biến động giằng co thì cổ phiếu có lãi chấp nhận được tôi chọn chốt lời thay vì đặt cược vào cổ phiếu” - chị Thanh Lan, một nhà đầu tư ở Hà Nội cho hay.

Tuy nhiên, cũng có nhiều nhà đầu tư đánh giá rằng, với những cổ phiếu tốt thì vẫn có thể nắm giữ lâu dài thay vì “nhảy ra nhảy vào” liên tục rồi mất hàng.

“Điều quan trọng vẫn là chọn đúng cổ phiếu và một khi đã chọn đúng thì không nên dao động, hễ thấy thị trường điều chỉnh là bán ngay lập tức, bạn có thể không mua lại được hoặc phải trả giá đắt hơn để sở hữu chúng lần nữa” - anh Phan Thái Hoàng, nhà đầu tư ở Hà Tĩnh nói.

Thực tế, trong phiên hôm qua, số lượng mã giảm điểm áp đảo hoàn toàn so với số mã tăng. Có 587 mã giảm giá, 24 mã giảm sàn so với 321 mã tăng, 48 mã tăng trần trên cả 3 sàn giao dịch. Nói cách khác, giá trị tài khoản phần lớn nhà đầu tư bị sụt giảm.

Rổ VN30 với 30 cổ phiếu tiêu biểu nhất sàn HSX nhưng chỉ có 8 mã tăng giá, 22 mã còn lại giảm. Những mã bị chốt lời mạnh gồm có MSN giảm 3,6%; VJC giảm 3,3%; SBT giảm 3%; VNM giảm 2,6%; PDR giảm 2,5%; VPB giảm 1,2%; VIC giảm 1%; VCB giảm 0,9%.

Tuy nhiên, vẫn có những mã tăng điểm “dũng mãnh” bất chấp thị trường có diễn biến tiêu cực cuối phiên. Có thể kể đến VHM tăng 3,7%; NVL tăng 2,6%; TPB tăng 2%; TCH, FPT, HPG, SSI, VRE tăng giá.

Hầu hết cổ phiếu trên thị trường giảm giá, và nhóm cổ phiếu vốn hoá nhỏ, trung bình cũng không ngoại lệ. Kết quả là VNMID-Index giảm 14,82 điểm tương ứng 0,98%; VNSML-Index giảm 7,32 điểm tương ứng 0,56%.

Nhà đầu tư trong nước vẫn đang đặt cược vào triển vọng thị trường vượt 1.300 điểm. Theo đó, trong phiên hôm qua, giá trị dòng tiền giải ngân vào cổ phiếu HSX vẫn đạt 22.824,69 tỷ đồng, khối lượng giao dịch đạt 758,29 triệu đơn vị. HNX có 128,79 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 2.735,93 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 45,11 triệu cổ phiếu tương ứng 725,57 tỷ đồng.

Ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài lại “phòng vệ” bằng cách thu tiền về. Khối này tiếp tục bán ròng rất mạnh, tổng khối lượng bán ròng ở mức 31 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị bán ròng 1.300 tỷ đồng.

Riêng trên sàn HSX, khối ngoại bán ròng phiên thứ 5 liên tiếp, giá trị 1.266 tỷ đồng với khối lượng bán ròng 29,5 triệu cổ phiếu.

Hoạt động bán ròng của khối ngoại tập trung tại những cổ phiếu lớn như VPB, VNM, VIC, HPG, CTG, MBB, MSN, VCB.

Mai Chi

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *