Thời sự 12/02/2014 12:16

ATM chưng hửng chờ phục vụ

Nhiều doanh nghiệp ở phía Nam “găm” tiền lương, thưởng của người lao động qua kỳ nghỉ Tết Giáp Ngọ mới trả cho người lao động, làm cả hệ thống ATM… chưng hửng chờ.

Nơi thừa nơi thiếu

 

Ông Nguyễn Công Thành, công nhân một công ty điện tử L (KCX Tân Thuận) cho biết, toàn bộ số tiền thưởng là tháng lương thứ 13 năm 2013 đã bị chủ DN găm lại trên tài khoản đến ngày 6 tháng Giêng (âm lịch) mới báo “có” tiền trên tài khoản thẻ ATM của người lao động. Trước đó, công nhân luôn nhận được những khoản thưởng nhỏ giọt với các lý do “giáp Tết nên ngân hàng không thực hiện kịp nên có thể chậm vài ngày”.

 

Một số người lao động lại nhận được lời giải thích là ngân hàng đã khóa sổ nạp tiền vào tài khoản để chi lương thưởng trong ngày 25/1. Trong khi công ty lại làm việc hết ngày 28/1 nên chưa có tiền thưởng tết, phải chờ để lĩnh tiền sau kỳ nghỉ Tết.

 


DN tăng chi tiền mặt dịp trước Tết được cho là một trong những nguyên nhân làm ATM một số nơi chờ người rút tiền.

 

“Trước sau tiền cũng vào tài khoản không mất đâu mà lo” – chủ DN L cho biết. Tuy nhiên, đến hết ngày 27 tháng Chạp năm 2013 nhiều công nhân không thể chờ đợi thêm đã phải lên xe về quê ăn Tết khi chưa nhận được tiền thưởng. Mặc dù trước đó, họ đã ký trong bản danh sách được chủ DN cho biết là để “chuyển lương của DN gửi cho ngân hàng”.

 

Một số công nhân tại các DN trong KCN Bình Dương cũng rơi vào tình trạng tương tự là phải làm việc đến những ngày áp Tết, nhưng qua Tết thì mới thấy tài khoản báo có tiền thưởng tết. “Những người ở lại nhà trọ đón Tết thì có thể an ủi việc tiền thưởng vào tài khoản trễ như năm nay là tiết kiệm. Nhưng những người về quê thì phải đi vay mượn của bạn bè ở các công ty khác để có tiền trang trải các chi phí tàu xe và quà cáp về quê” – Nguyễn Thị Phương, công nhân nhà máy bao bì ở KCN Sóng Thần, Bình Dương cho biết.

 

Thế nhưng việc vay tiền về quê trong những ngày áp Tết không phải dễ dàng, nhất là tình trạng nhảy việc liên tục trong lực lượng công nhân ở các KCN. Tình trạng trong năm người lao động làm da giày nhưng qua năm mới có thể đi làm điện tử là phổ biến trong lực lượng lao động giản đơn ở các nhà máy xí nghiệp trong nước.

 

Ông Lưu Đình Ái, Giám đốc Vietcombank Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, thực hiện chỉ đạo của thành phố và NHNN, năm nay chi nhánh dốc toàn lực tiếp tiền mặt dù biết sẽ gây thiệt thòi cho ngân hàng nhưng vẫn sẵn sàng phục vụ. Tuy nhiên đến giáp Tết, nhiều máy ATM ở một số khu vực gần như không có người rút tiền vì lương thưởng trong nhà máy bị chậm nên việc chờ đón kế hoạch phục vụ của nhân viên ngân hàng gần như không quá bận rộn như dư luận cứ cảnh báo “sôi” lên về việc máy ATM sẽ kẹt vào dịp tết. Mặc dù năm nay ngân hàng và các DN thực hiện trả lương cuốn chiếu cho từng phân xưởng, tổ sản xuất.

 

Đại diện Vietcombank Tân Thuận, nơi tập trung nhiều DN chi trả lương qua tài khoản với tổng số tiền lương hàng tháng trong năm đã lên đến vài ba trăm tỷ đồng mỗi tháng cũng trong tình trạng nằm chờ người rút tiền ở một số điểm.

 

Bên cạnh đó, có một thực tế một số DN có lượng người lao động lớn cuối năm vừa qua đã đạt được thỏa thuận với ngân hàng là chi trả lương thưởng bằng tiền mặt cũng làm cho ATM bị ế. Chẳng hạn, phương án trả lương tiền mặt ở Vietcombank Thủ Đức đã thỏa thuận chi trả bằng tiền mặt với Công ty Vissei có số công nhân đến 10.000 người lao động. Và đã lên kế hoạch chi trả đối với cả KCN Sóng Thần (Bình Dương).

 

Rút kinh nghiệm

 

Đến những ngày áp Tết năm nay, NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh vẫn phát ra thông điệp chưa xảy ra tình trạng nghẽn mạng ATM lớn ở các khu vực có nhiều công nhân. Ông Trần Đình Cường, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, tình trạng một số DN trên địa bàn có kế hoạch trả lương vào những ngày cận Tết năm nay với lý do nếu trả sớm sợ công nhân sẽ về quê sớm, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Điều này ngay từ trong năm NHNN thành phố đã dự báo và có chỉ đạo với những TCTD có nhiều máy ATM tại các KCN.

 

“Trong các cuộc họp trước tết với những NHTM có khối lượng thanh toán lớn trong KCN, chúng tôi đã nhắc nhở các ngân hàng cần lưu ý để có biện pháp chi trả lương phù hợp. Thế nhưng không phải thế mà NHTM không tiếp tiền cho máy ATM bởi hệ thống mạng lưới máy rút tiền ATM là phục vụ cho toàn xã hội chứ không phục vụ cho một đơn vị cụ thể. Theo đó khó tránh khỏi những lãng phí cho NHTM trong việc tiếp tiền quá nhiều mà không có khách rút tiền, trong khi có những điểm công nhân vẫn phải chờ đợi”, lãnh đạo NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết.

 

Đại diện NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho rằng, từ hiện tượng trên, cần rút kinh nghiệm cho những mùa cao điểm sắp tới trong việc rút tiền và tiếp tiền tại các điểm có nhiều máy ATM để tránh lãng phí cho ngân hàng. Trong đó, mỗi NHTM tại các điểm có lượng công nhân rút tiền đông và mật độ dân cư qua lại cao cần cùng với cơ quan quản lý có những hình thức tuyên truyền để người dân nắm bắt được tình hình hiện trạng hệ thống máy ATM của mình, tránh xảy ra tình trạng chỗ thừa chỗ thiếu gây nghẽn mạng ATM.

 

“NHTM cũng nên coi việc giải thích việc tiếp tiền và mở rộng mạng lưới máy ATM và hệ thống thanh toán qua máy POS là một chiến lược trong việc xây dựng thương hiệu ngân hàng. Nhất là việc mở rộng và phát triển việc thanh toán không dùng tiền mặt để người sử dụng thẻ ngân hàng trở nên thực chất, chứ không chỉ dừng lại là một cái ví tiền khi cần thì ra rút tiền mặt trên ATM để chi tiêu hàng hóa dịch vụ” – ông Trần Đình Cường gợi ý thêm.

 

Theo Phạm Hà Nguyên
TBNH

 

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *