Thời sự 01/12/2014 17:30

“Bầu” Kiên phân trần, kêu 30 năm tù là "quá dài cho người không phạm tội"

Trong ngày làm việc thứ 2, Nguyễn Đức Kiên xin được trình bày các nội dung liên quan đến các tội danh của mình.

Ngày đầu tháng 12, phiên tòa phúc thẩm vụ án “bầu” Kiên cùng đồng tiếp tục diễn ra. Bước vào phiên tòa, hội đồng xét xử hỏi thăm sức khỏe của bị án Trần Ngọc Thanh. Cơ quan công an cho biết, ông Thanh vẫn đang nằm ở bệnh viện Bạch Mai và phải đi cấp cứu. Hội đồng quyết định xét xử vắng mặt của ông Trần Ngọc Thanh, khi cần thiết sẽ công bố các bản khai, lời khai của ông này.

Ngay sau đó, hội đồng xét xử tiến hành xét hỏi bị cáo Nguyễn Đức Kiên liên quan đến 4 tội danh mà ông này đã bị tòa án sơ thẩm tuyên trước đó bao gồm: Trốn thuế, Kinh doanh trái phép, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Khoác thêm chiếc áo dày do thời tiết trở lạnh, bình tĩnh trước hội đồng xét xử, Nguyễn Đức Kiên xin trình bày về cả 4 tội danh mà mình đã bị kết án tại tòa sơ thẩm tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. “Mặc dù hơi dài nhưng tôi mong hội đồng xét xử cho tôi trình bày đầy đủ cả 4 nội dung vì bản án 30 năm với người không phạm tội là quá dài”, Nguyễn Đức Kiên nói.

Bầu Kiên tại phiên tòa sáng ngày 1/12
"Bầu" Kiên tại phiên tòa sáng ngày 1/12
 

Đi vào trình bày về tội danh Kinh doanh trái phép, ông “bầu” tóc bạc cho biết, Tất cả các khoản đầu tư góp vốn của 5 công ty mà ông này lập ra đều được các tỉnh và thành phố cấp phép. Sau khi tòa sơ thẩm kết thúc, đến ngày tòa phúc thẩm mở chưa có bất kỳ cơ quan nhà nước nào tuyên phải thu hồi giấy phép của các công ty trên. Đến ngày hôm nay các công ty vẫn hoạt động bình thường, hoạt động chuyển nhượng cổ phiếu bình thường.

Với tư cách là chủ tịch của 5 công ty trên, Nguyễn Đức Kiên trình bày về vai trò của mình rằng: “Căn cứ vào điều 13 luật doanh nghiệp, điều 4,7,8, 18, 19 tôi đã thực hiện đúng khi nộp 3 tài liệu, bản sao giấy đăng ký kinh doanh, nghị quyết của hội đồng quản trị về quyết định cử người đại diện và chứng minh thư của tôi được sao y bản chính”. Theo bị cáo Nguyễn Đức Kiên, hiện nay toàn bộ hồ sơ này đều được lưu giữ đầy đủ tại các phòng đăng ký kinh doanh các tỉnh.

“Bầu” Kiên lấy dẫn chứng điều 4 luật doanh nghiệp đã quy định rõ, góp vốn là được đưa tài sản để làm chủ công ty chứ không phải việc tạo hàng hóa. Điều 8: Kinh doanh, đầu tư đây là hai lĩnh vực khác nhau, hoạt động đầu tư theo luật đầu tư. Việc năm công ty thành lập là hợp pháp, hợp lệ và đúng pháp luật. Việc 5 công ty góp vốn là đúng pháp luật.

“Bầu Kiên” cũng xin có ý kiến về 2 nội dung khác, việc 5 công ty thành lập đầu tư cổ phiếu nhằng nhịt, đầu tư chéo là không có. “Tất cả các công ty do tôi thành lập ngay từ đầu không tạo ra mâu thuẫn nào cho bất kỳ đối tác nào và 5 công ty này vẫn đang hoạt động, đóng góp tốt cho xã hội”, lời của bị cáo.

“Việc các công ty này được thành lập có vốn của các cổ đông rất lớn, lớn nhất là 3.200 tỷ đây là tiền mặt nên không thể nói là công ty ma. Tôi đề nghị tòa án phúc thẩm không tuyên tôi tội kinh doanh trái phép”, Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.

Về việc thực hiện các lệnh giao dịch của Công ty Thiên Nam tại ACB, HĐXX hỏi “bầu” Kiên có nhớ người nghe khi ông này gọi điện không, Nguyễn Đức Kiên nói không nhớ vì có rất nhiều người nghe và đều thực hiện theo lệnh của ông Lê Quang Trung.

“Thiên Nam và ACB cho đến ngày hôm nay không có bất kỳ lệnh thanh toán, hoàn toàn không có việc thanh toán”, Nguyễn Đức Kiên nói.

Sau khi "bầu" Kiên trình bày, hội đồng xét xử đề nghị Công ty cổ phần đầu tư thương mại Nhà Rồng, Công ty cổ phần xi măng Hòa Phát, Công ty cổ phần hàng hóa Sài Gòn, Ngân hàng Phương Nam, đại diện Cty cổ phần đầu tư AFG, ACI, ACI HN và Công ty cổ phần đầu tư ACB, Vietbank, Ngân hàng Thương mại Kiên Long, Dệt may Phố Nối, … xác nhận các số liệu liên quan đến hoạt động đầu tư tại 5 công ty của "bầu" Kiên, cụ thể là ACI. Các đơn vị xác nhận số liệu đầu tư mà hội đồng xét xử đưa ra là đúng.

HĐXX tiếp tục hỏi "bầu" Kiên về hoạt động mua trái phiếu ngân hàng, mua cổ phần của công ty khác đang tồn tại trên thị trường khác và phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Những hoạt động này nhằm mục đích gì. Bị cáo Kiên cho biết: "Việc mua trái phiếu của ACB để là chủ sở hữu của ACB trong lâu dài. Việc phát hành trái phiếu là huy động vốn chứ không phải đầu tư. Còn các khoản mua cổ phiếu trên sàn, các công ty này không bán cho đến khi tôi bị bắt".

Đến 11h30, phiên tòa tạm nghỉ, đến 13h10 chiều nay sẽ tiếp tục làm việc về các nội dung liên quan đến 4 tội danh mà Nguyễn Đức Kiên đã bị tuyên tại tòa sơ thẩm.

Lê Tú
Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *