Thời sự 01/12/2014 13:03

Kỳ vọng điều chỉnh tỷ giá, khó thực hiện

10 tháng đầu năm nay, xuất siêu cả nước đạt 2,36 tỷ USD; cán cân thanh toán tổng thể thặng dư ở mức cao, trên 11 tỷ USD; giải ngân FDI và nguồn kiều hối đều tăng so với cùng kỳ...

Nhưng liệu NHNN có điều chỉnh thêm 1% tỷ giá vẫn là dấu chấm hỏi khi tỷ giá tiếp tục có biến động trong mùa thanh toán cao điểm cuối năm của doanh nghiệp.

Tỷ giá USD/VND cuối tuần qua vẫn nhích nhẹ. Tỷ giá niêm yết tại Vietcombank chiều ngày 28/11 ở mức 21.390 - 21.405 đồng/USD (mua - bán). Cùng ngày, ACB niêm yết tỷ giá ở mức 21.380 - 21.400 đồng/USD, không tăng so với 2 ngày trước đó.

Trước biến động của tỷ giá, nhiều người cho rằng là do tâm lý kỳ vọng NHNN sẽ một lần nữa điều chỉnh thêm 1% biên độ tỷ giá. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các nhà băng, tỷ giá tăng do nhu cầu thanh toán cuối năm. Cán cân thương mại của Việt Nam đã nhập siêu trong vòng 2 tháng gần đây (tháng 9 và tháng 10, tổng nhập siêu là 1 tỷ USD), bên cạnh việc dòng vốn đầu tư gián tiếp đảo chiều sau khi Fed ngừng gói nới lỏng định lượng QE3. Trong khi thanh khoản nguồn vốn tiền đồng dồi dào, lãi suất thấp tạo điều kiện cho các NHTM tăng cường mua ngoại tệ, để quản lý trạng thái ngoại hối.

Theo lãnh đạo HSBC Việt Nam, về cơ bản, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam vẫn thặng dư (9 tháng đầu năm, thặng dư 11 tỷ USD), nên nhu cầu ngoại tệ của các doanh nghiệp và cá nhân vẫn sẽ được đáp ứng đầy đủ. Nguồn tiền kiều hối đổ về vào giai đoạn trước Tết cũng sẽ đóng góp đáng kể vào nguồn cung USD, đảm bảo cho tỷ giá ổn định. Theo số liệu thống kê, 11 tháng đầu năm, kiều hồi chuyển về chỉ riêng khu vực TP. HCM đạt 4,4 tỷ USD, ước cả năm đạt 5 tỷ USD.

“Tiết kiệm VND vẫn là kênh đầu tư vừa bảo toàn vốn vừa sinh lời. Nếu so sánh mức lãi suất tiết kiệm tiền đồng hiện nay với dự báo về lạm phát trong thời gian tới (+2,90% cho cả năm 2014 và +5,80% cho cả năm 2015), thì mức lãi suất 5,5%/năm vẫn thực dương”, HSBC Việt Nam nhận định.

Tỷ giá được cho là đang phản ánh đúng giá của thị trường. Tuy nhiên, tỷ giá vẫn được kiểm soát, nên ngay cả khi NHNN tăng thêm 1% biên độ tỷ giá, thì đồng Việt Nam vẫn ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực. Theo nhận định của nhiều chuyên gia tài chính - tiền tệ, điều này rất quan trọng, vì hiện tại NHNN mới tạo được niềm tin của người dân vào tiền đồng, nên sẽ còn cả một chặng đường dài để người dân có thể tin tưởng và cảm thấy an toàn vào hệ thống tài chính trước khi NHNN thả nổi đồng nội tệ. Vì vậy, việc kiểm soát tỷ giá hiện nay của NHNN được cho là đang tạo hành lang an toàn, tăng dự trữ ngoại hối quốc gia.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho hay, cung - cầu ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng vẫn đang duy trì ổn định. Nguồn tiền gửi bằng ngoại tệ sụt giảm mạnh, trong khi huy động vốn tiền đồng vẫn tăng cao. Điều này được nhiều chuyên gia tiền tệ đánh giá là phù hợp với xu hướng thị trường trong thời gian tới khi quan hệ giữa người dân có ngoại tệ với ngân hàng sẽ là quan hệ mua - bán hơn là gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ.

Theo ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc HSBC Việt Nam, hiện tại, các ngân hàng vẫn được phép huy động ngoại tệ và người dân có ngoại tệ vẫn gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ vào ngân hàng. Song định hướng về dài hạn, không nên khuyến khích điều này.

“Kỳ vọng trong tương lai, người dân sẽ tin tưởng hoàn toàn vào tiền đồng, khi đó, họ sẽ chuyển sang gửi tiết kiệm hoàn toàn bằng tiền VND”, ông Hải nói.

Theo cam kết của NHNN sẽ không tăng tỷ giá quá 2% trong một năm. Từ đầu năm đến nay, tỷ giá đã điều chỉnh tăng 1%, nên việc kỳ vọng tỷ giá sẽ điều chỉnh là có lý do. Với xu hướng lãi suất tiền đồng giảm dần thời gian qua, ngân hàng có xu hướng đẩy mạnh mua ngoại tệ, đáp ứng nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp trong mùa cao điểm cuối năm, khiến tỷ giá tăng. Tuy nhiên, dòng tiết kiệm vẫn khó chuyển hướng từ tiền đồng sang USD. Bởi lãi suất tiền gửi ngoại tệ hiện đã được điều chỉnh xuống mức thấp, dao động từ 0,5 - 1%/năm cùng với tỷ giá ổn định. Do đó, việc tỷ giá biến động nhẹ trong những ngày qua vẫn được cho là do ảnh hưởng bởi tâm lý kỳ vọng tỷ giá điều chỉnh.

Về phía NHNN, cơ quan này đã chính thức công bố không điều chỉnh tỷ giá. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN, thứ nhất, cung - cầu ngoại tệ vẫn ổn định, nguồn cung ngoại tệ diễn biến tích cực, trong khi chưa xuất hiện nhu cầu lớn về ngoại tệ. 10 tháng đầu năm, cả nước xuất siêu 2,36 tỷ USD, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư ở mức cao, trên 11 tỷ USD. Thứ hai, giải ngân FDI và kiều hối đều tăng so với cùng kỳ và tiếp tục khả quan dịp cuối năm. Thứ ba, trên thị trường ngoại tệ, doanh số giao dịch mua bán ngoại tệ vẫn diễn ra bình thường, không có gì đột biến. Hệ thống TCTD tiếp tục mua ròng ngoại tệ từ các khách hàng tổ chức và cá nhân cho thấy, nhu cầu ngoại tệ của khách hàng không những được đáp ứng đầy đủ, mà tổ chức và cá nhân còn có xu hướng bán ngoại tệ cho các TCTD.

Tuy nhiên, trước biến động nhẹ của tỷ giá USD/VND trên thị trường ngân hàng biến động nhẹ trong những ngày gần đây, lãnh đạo NHNN cũng cho biết, đang tập hợp nhu cầu của các ngân hàng thương mại, để sẵn sàng bán ra khi cần thiết.

“NHNN đã thông báo về kế hoạch bán ngoại tệ cho các ngân hàng trong hệ thống. Chúng tôi đang tổng hợp nhu cầu, sẵn sàng bán ra để ổn định thị trường”, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

 
Theo Vân Linh
ĐTCK
Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *