Tài chính ngân hàng 05/09/2023 16:07

VPBank nới trần room ngoại lên 30%

Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của VPBank sẽ được nâng từ mức 17,642% vốn điều lệ lên 30%.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - mã chứng khoán: VPB) thông báo về việc nới trần room ngoại (tỷ lệ sở hữu nước ngoài) lên tối đa 30% vốn điều lệ. Thời điểm chính thức điều chỉnh sẽ được thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật và để đảm bảo thực hiện phương án chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài.

Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), đến ngày 5/9, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của VPBank hiện là 17,642%. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại VPBank hiện là 16,01%. Như vậy, VPBank được nới trần room ngoại trong bối cảnh gần kín room.

Trước đó, theo tờ trình sửa đổi Nghị định 01 về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ sẽ quyết định tỷ lệ room ngoại tại tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc.

Tỷ lệ này được phép vượt 30% nhưng không quá 49% vốn điều lệ của ngân hàng nhận chuyển giao. Quy định này không áp dụng với nhà băng có vốn nhà nước sở hữu trên 50%.

Vietcombank, MB, HDBank và VPBank là 4 ngân hàng đã tiết lộ ý định hoặc kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc. Như vậy, VPBank trong tương lai thậm chí có thể được nới trần room ngoại tới 49%.

Hiện nay, trần room ngoại áp dụng chung với các tổ chức tín dụng tại Việt Nam là 30%. Nhiều ngân hàng được room ngoại ở mức tối đa có thể kể đến SHB, Eximbank, TPBank, Vietcombank, Sacombank… Song không phải ngân hàng nào cũng kín room.

Những ngân hàng còn nhiều room ngoại thấp có thể kể đến SHB (6,87%), Eximbank (3,82%), BIDV (17,19%)... Nhiều ngân hàng khác cũng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài rất thấp như SeABank, Bac A Bank, BVBank, KienlongBank, PG Bank, VietABank, VietBank, LPBank… Các ngân hàng vẫn để chờ đối tác chiến lược.

Ngược lại, một số đơn vị đã kín hoặc gần kín room ngoại gồm ACB, MSB, TPBank, Techcombank, HDBank, MB…

Hồi cuối tháng 3, VPBank đạt thỏa thuận bán 15% cổ phần cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - đơn vị thành viên thuộc Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG) của Nhật Bản.

Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank chia sẻ tại phiên họp cổ đông, việc này có thể mở ra cơ hội giúp đơn vị tiếp cận tệp khách hàng là những doanh nghiệp lớn của Nhật Bản tại Việt Nam. Ngân hàng đã thành lập một nhóm chuyên trách với những chuyên gia từ SMBC, đặt mục tiêu tiếp cận 10-15% doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam.

Năm nay, ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế vượt 24.000 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước và lần đầu lợi nhuận hợp nhất vượt mốc một tỷ USD.

Nửa đầu năm, VPBank đạt 5.162 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, mới chỉ đạt trên 20% kế hoạch năm và bằng một phần ba cùng kỳ.

Một ngân hàng khác đang tìm đối tác chiến lược là SHB. Theo Reuters, SHB có thể bán tới 20% cổ phần cho một đối tác chiến lược.

Thảo Thu

Chủ đề: vpbank Chuyên mục: Tài chính ngân hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *