Quốc tế 16/02/2014 07:25

“Con đường tơ lụa trên biển” nối liền “Chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc

Tầm nhìn của Trung Quốc về một “con đường tơ lụa trên biển” là một bước phát triển mới, khắc họa rõ hơn các lợi ích của Bắc Kinh trong chiến lược “chuỗi ngọc trai”.

Gamini Lakshman, Bộ trưởng ngoại giao Sri Lanka đang có chuyến thăm Trung Quốc trong tuần này. Tiếp đón ông Lakshman sẽ là Bộ trưởng ngoại giao Vương Nghị và Phó thủ tướng Lí Nguyên Triều. Theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung QUốc, các lãnh đạo đã đạt được thỏa thuận nhằm “mở rộng toàn diện hợp tác hàng hải và chung tay xây dựng con đường tơ lụa trên biển của thế kỉ 21”.

Ý tưởng cho một “con đường tơ lụa trên biển” lần đầu tiên xuất hiện trong chuyến thăm Đông Nam Á của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 10 năm ngoái. Trong bài phát biểu trước nghị viện Indonesia, ông Tập đưa ra đề nghị hợp tác hàng hải giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN.
Theo đó, “con đường tơ lụa trên biển” sẽ bao hàm cả yếu tố ngoại giao lẫn kinh tế. Yang Baoyun, giáo sư Đông Nam Á học tại đại học Bắc Kinh trả lời tờ China Daily rằng “con đường tơ lụa trên biển mới hình thành sẽ đem lại những lợi ích thực tiễn cho các nước trong khu vực, đồng thời trở thành động lực cho sự thịnh vượng của khu vực Đông Á”.

Về mặt thực hiện, “con đường tơ lụa trên biển” đòi hỏi Trung Quốc và các nước đối tác nhanh chóng phát triển mạng lưới hạ tầng biển, đặc biệt là các hải cảng. Bắc Kinh đã lên kế hoạch chi 2 tỉ đô la để nâng cấp cảng Kuantan – Malaysia. Quan chức Campuchia cũng không ngần ngại cho thấy họ đang cần vốn đầu tư nâng cấp hạ tầng cảng biển.

Ban đầu, ý tưởng này được đề xuất cụ thể nhắm vào các nước ASEAN. Tuy nhiên, sự xuất hiện của “con đường tơ lụa trên biển” trong chuyến thăm Sri Lanka cho thấy một tầm nhìn rộng hơn, khi liên kết nó với chiến lược “chuỗi ngọc trai” – mạng lưới cơ sở hàng hải của Trung Quốc tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. “Chuỗi ngọc” này bao gồm các gói đầu tư của Trung Quốc vào các cản biển tại Colombo – Sri Lanka và Gwadar – Pakistan. Giờ đây, có vẻ như Bắc Kinh đã có một tên gọi cụ thể cho số cảng này – “con đường tơ lụa trên biển”.

Đây được xem là một động thái “tái định hình nhận thức” của Trung Quốc, khi mối liên hệ giữa nó và “chuỗi ngọc trai” đã trở nên rõ ràng. Thực tế, khái niệm “chuỗi ngọc trai” – vốn xuất phát từ một nghiên cứu của Booz Allen Hamilton vào năm 2005 - chưa một lần được Bắc Kinh chính thức sử dụng.

Do đó, Trung Quốc phần nào đã mất kiểm soát với các thông điệp được phát ra. “Chuỗi ngọc trai” thường được hiểu là một động thái quân sự nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của hải quân Trung Quốc từ Biển Đông tới tận biển Ả Rập. Điều này khiến Ấn Độ lo sợ bị kềm tỏa bởi “chuỗi ngọc”.

Sự xuất hiện của khái niệm mới cho phép Trung Quốc thảo luận chiến lược đầu tư vào hạ tầng hàng hải tại ASEAN và xa hơn về phía Tây. Đáng chú ý hơn, sự mở rộng của “con đường tơ lụa trên biển” minh chứng sự tồn tại của chiến lược này và cho Trung Quốc khả năng minh bạch hóa các mục tiêu chiến lược của mình.

Trung Quốc luôn muốn chứng minh rằng các động thái trên biển của mình xuất phát từ lí do kinh tế, và chỉ ra rằng điều này cũng đem lại thịnh vượng cho các quốc gia liên quan. Theo lời Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh, mục tiêu của Bắc Kinh trong việc tạo ra “vành đai kinh tế con đường tơ lụa” là để “tích hợp tất cả các hợp tác hiện có, đặc biệt là trong việc kết nối với các nước láng giềng và trong khu vực nhằm đảm bảo tất cả đều có thể chia sẻ các cơ hội phát triển”.

Zhou Bo, nghiên cứu sinh danh dự tại Học viện Quân sự Trung Quốc, đã viết một bài trên China-US Focus trực tiếp lí giải ý tưởng về “chuỗi ngọc trai”. Zhou phủ nhận nhận định rằng Trung Quốc đang thành lập các căn cứ quân sự dọc Ấn Độ Dương.

Zhou viết: “Trung Quốc chỉ có 2 mục tiêu tại Ấn Độ Dương: lợi ích kinh tế và an ninh của Tuyến liên thông biển (SLOC)… Chính khả năng tiếp cận mới là mối quan tâm chính của Hải quân Trung Quốc chứ không phải là căn cứ.” Zhou thừa nhận “đại chiến lược” kinh tế tại Ấn Độ Dương và Biển Đông sẽ giúp “xoa dịu các lo ngại về an ninh”.

Tất nhiên, đây lại chính là điều giới quan sát lo ngại về “chuỗi ngọc trai”. Ý tưởng của Trung Quốc về việc làm dịu các lo ngại về an ninh liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông có thể khác biệt với những gì Việt Nam và Philippines suy nghĩ.

Cho dù “con đường tơ lụa trên biển” chỉ đơn thuần là một chiến lược kinh tế, những hàm ý chiến lược khác của nó vẫn rất rõ ràng. Một mặt, Trung Quốc cho thấy họ không hề do dự sử dụng các biện pháp cưỡng bức kinh tế để đạt mục đích, khiến bất cứ gói đầu tư nào cũng có thể là một vũ khí tiềm tàng. Mặt khác, như đa số đã chỉ ra, Trung Quốc chủ yếu dựa vào tàu dân sự hoặc bán quân sự trong các tranh chấp. Với chiến lược này, trung quốc chẳng cần phải điều động hải quân đến những cảng vừa hoàn thành để khẳng định quyền kiểm soát với các tuyến hàng hải. Lằn ranh mờ giữa tàu “dân sự” và quân sự cũng làm nhòe đi sự phân biệt về mục tiêu quân sự hay kinh tế giữa “chuỗi ngọc trai” hay “con đường tơ lụa trên biển”

“Con đường tơ lụa trên biển” có một tương quan rõ ràng với “con đường tơ lụa mới” trên đất liền, noiế liền phía Tây Trung Quốc với các quốc gia Trung Á. Cả hai khái niệm này đều dựa trên cơ sở lịch sử rằng Trung Quốc là một cường quốc kinh tế, vừa vặn khớp với cách mô tả ưa thích của Tập Cận Bình về cái gọi là “trẻ hóa dân tộc”.

Ghép lại với nhau, hai khái niệm này vẽ ra bức tranh trong đó Trung Quốc là cường quốc khu vực đang trỗi dậy và tìm kiếm sự bành trướng về kinh tế tới tận Iran, hay thậm chí là Đông Âu. Như các quan chức Trung Quốc đã chỉ ra, đầu tư vào những tuyến giao thương trên biển hay đất liền sẽ đem lại lợi ích kinh tế cho các quốc gia liên quan. Tuy nhiên, lo ngại từ phía các chiến lược gia đến từ Mỹ, Ấn Độ và các quốc gia đối đầu khác của Trung Quốc  về “chuỗi ngọc trai” – giờ đây đã mang tên gọi mới - cũng theo đó mà gia tăng.

Theo Nhật Anh

Một thế giới

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *