Quốc tế 15/02/2014 18:34

Công nhân may Campuchia chỉ kiếm được vài đô mỗi ngày

Ngành may mặc được ví như xương sống của nền kinh tế Campuchia. Thế nhưng công nhân ngành này ở xứ sở chùa tháp hiện chỉ kiếm được trung bình vài đô la một ngày.

Chem Chan là một trong số đó. Chủ nhật là khoảng thời gian duy nhất cô có được để chăm lo cuộc sống thường nhật. Sau ngày còn lại trong tuần, cô gái 25 tuổi này phải liên tục ngồi sau máy may trong một công xưởng từ 5 giờ sáng tới 8 giờ tối, đôi khi là 10 giờ. “Sau đó tôi về nhà, ăn bữa tối là phần thừa lại từ bữa trưa rồi đi ngủ, sáng hôm sau lại dậy và tiếp tục.” – Chem Chan nói thêm.

Hoàn cảnh của Chan cũng là thực tế của phần lớn trong số xấp xỉ 600.000 công nhân may tại Campuchia. Đa số họ là phụ nữ, đến từ những vùng nông thôn nghèo. Họ mong muốn kiếm được nhiều tiền hơn so với làm nông ở quê. 
 
Tuy nhiên, ngay cả khi được may gia công cho những thương hiệu quốc tế như H&M hay Gap, lương trung bình của họ chỉ ở khoảng 3,3 đô la một ngày, trừ phi chấp nhận tăng ca thêm 4 tới 6 tiếng. Cực khổ là thế nhưng Chan cũng như những đồng nghiệp của cô vẫn cố gắng để có thể gửi ít tiền về quê nhà, khoảng 20 đô la một tháng.
 

Đòn bẩy kinh tế

Công nghiệp may mặc là động lực đáng kể nhất của kinh tế Campuchia, đem về cho nước này 5,52 tỉ đô la trong năm 2013 thông qua xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ và EU lần lượt là 2,12 tỉ USD và 2 tỉ USD cũng trong năm qua. Các nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận Campuchia là một địa điểm lý tưởng, với nhân công rẻ và dồi dào.

Mặc dù vậy, các nghiệp đoàn và giới công nhân may đang lên tiếng đòi hỏi các thay đổi. Dù lương cơ bản có tăng trong vài năm qua, phần lớn cho rằng mức chi trả vẫn quá thấp để trang trải cuộc sống. Liên minh các nghiệp đoàn và các nhà vận động quyền lợi lao động ước tính mức lương tối thiểu cho công nhân may Campuchia ở mức 283 đô la một tháng.

Đình công và trấn áp

Tháng 12/2013, hàng chục ngàn công nhân đã xuống đường đòi chính phủ tăng mức lương tối thiểu lên 160 đô la. Các quan chức đã đồng ý tăng mức này lên 100 đô la. Tuy nhiên, những người biểu tình không đồng ý và tiếp tục đình công đến 3/1/2014.

Cảnh sát đã được huy động để trấn áp, gây ra cái chết cho 4 người và làm bị thương hàng chục người khác. Chính phủ sau đó cũng ban bố lệnh cấm biểu tình vô thời hạn.

Các nghiệp đoàn cho biết họ sẽ kêu gọi một cuộc đình công trên toàn quốc trong vài tuần tới để đòi hỏi một mức lương cũng như điều kiện tốt hơn cho công nhân. Các chủ đầu tư đáp trả rằng chi phí sản xuất theo đó sẽ tăng quá cao và họ sẽ dời các công xưởng, kèm theo đó là hàng trăm ngàn việc làm khỏi Campuchia để tìm nơi lý tưởng hơn.

Theo Nhật Quang

Một thế giới

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *