Quốc tế 08/09/2023 13:36

S&P Global: Ấn Độ và một số quốc gia Đông Nam Á sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế thế giới, Việt Nam được nhắc tên

Theo S&P Global Insights, chu kỳ phát triển mạnh mẽ của kinh tế Ấn Độ, bên cạnh đó là một số quốc gia Đông Nam Á khác, chính là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu thời gian tới.

Chu kỳ phát triển mạnh mẽ của kinh tế Ấn Độ, bên cạnh đó là một số quốc gia Đông Nam Á khác chính là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu thời gian tới, theo S&P Global Insights. 

Châu Á - Thái Bình Dương sắm vai trò “trụ cột” kinh tế thế giới không chỉ trong ngắn mà còn trong tương lai xa hơn nữa, Rajiv Biswas, Kinh tế trưởng khu vực tại S&P Global, chia sẻ tại Hội nghị năng lượng thường niên APPEC. 

Kinh tế Ấn Độ được dự báo "bùng nổ" thời gian tới (Ảnh: Getty)

“Khi thực hiện công tác dự báo về một thập kỷ sắp tới, chúng tôi nhận thấy đây là khu vực tăng trưởng mạnh nhất toàn cầu”, ông cho biết. 

“Nền kinh tế Ấn Độ chuẩn bị bước vào giai đoạn bùng nổ, và một tương lai tươi sáng cũng đang đón chờ khu vực Đông Nam Á với Indonesia, Philippines, Việt Nam sẽ là những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong nhóm các quốc gia mới nổi”, Biswas nhận định. 

Tốc độ tăng trưởng quý II của Việt nam ở ngưỡng 4,14%, cao hơn mức tăng 3,28% trong quý I. Nền kinh tế số một Đông Nam Á (Indonesia) cũng ghi nhận tăng trưởng ấn tượng 5,17% trong quý vừa qua. Kinh tế Philippines quý II phát triển trên 4% nhưng giới chuyên gia dự báo quốc gia này có thể làm nhiều hơn thế. 

Nổi bật nhất là Ấn Độ với mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 7,8% trong cùng giai đoạn, cao nhất trong khoảng một năm trở lại đây. 

“Kinh tế Ấn Độ 'gầm vang' với xung lực tăng trưởng tương đối mạnh ở thời điểm hiện tại”, Kinh tế trưởng của S&P cho biết. Ông dự báo Ấn Độ sẽ vượt qua Nhật Bản trở thành cường quốc kinh tế số ba thế giới vào năm 2030 với GDP tăng từ 3.500 tỷ USD (2022) lên 7.300 tỷ USD tại thời điểm đó. 

Cũng theo tính toán của S&P, tăng trưởng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến đạt 4,2% trong năm nay, cao hơn mức tăng 3,3% của năm 2022. 

“Trong thập kỷ tới, 55% GDP toàn cầu sẽ đến từ châu Á - Thái Bình Dương”, ông cho biết. 

Hiện tại Mỹ vẫn là một trong những đầu tàu kinh tế toàn cầu, đóng góp 15% tăng trưởng của “hành tinh xanh” trong thập kỷ tới. 

Vai trò của Trung Quốc thậm chí quan trọng hơn khi đóng góp tới 1/3 tăng trưởng kinh tế thế giới trong cùng giai đoạn. Tuy nhiên, Biswas thừa nhận đà hồi phục của nền kinh tế số hai thế giới không nhanh như dự báo và “xung lực tăng trưởng dần cạn kiệt” với một loạt các dữ liệu kinh tế không đạt kỳ vọng thời gian qua. 

Dựa trên tình hình hiện tại, S&P dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay và năm sau ở ngưỡng 2,5%. 

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *