Quốc tế 14/12/2022 10:59

Ấn Độ sẽ "soán ngôi" Trung Quốc trở thành công xưởng thế giới?

Ấn Độ chính thức trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 toàn cầu, nhưng liệu quốc gia Nam Á sẽ soán ngôi Trung Quốc trở thành công xưởng toàn cầu?

Vị thế “công xưởng của thế giới” của Trung Quốc bị đe dọa bởi rủi ro chính trị gia tăng, tăng trưởng chậm lại và các chính sách “zero-COVID”. Dường như không quốc gia nào sẵn sàng hưởng lợi hơn Ấn Độ.

Nhà kinh tế học Stanford và người đoạt giải Nobel Michael Spence đã tuyên bố rằng: “Ấn Độ hiện là quốc gia có đang bùng nổ và vẫn là điểm đến đầu tư ưa thích nhất”. Ông Chetan Ahya, đại diện của Morgan Stanley tại châu Á, đã dự đoán nền kinh tế Ấn Độ sẽ không ở vị trí thứ 5 thế giới quá lâu.

Ấn Độ có dân số đông, tỷ lệ lao động cao, chấp nhận mức lương bèo bọt, nền tảng hạ tầng và công nghệ tốt. Tuy vậy, các chiến lược gia kinh tế không cho rằng, Ấn Độ đủ sức thay thế Trung Quốc sản xuất cho cả thế giới. Vì sao?

Thứ nhất, Ấn Độ không có một nhà nước toàn năng như Trung Quốc, nơi mà mệnh lệnh hành chính từ Trung ương luôn có quyền lực tuyệt đối với địa phương. Dưới thời ông Tập Cận Bình, bất cứ quan chức nào nhũng nhiễu đều bị thanh trừng.

Điểm mạnh của nhà nước Trung Quốc chính là khả năng phản ứng kịp thời với những thay đổi ở bên ngoài. Họ tinh chỉnh chính sách sau mỗi chu kỳ 5 năm, được thiết kế cho từng chặng đường rất dài, 20 năm, 50 năm và 100 năm.

Đặc trưng của truyền thống chính trị Trung Quốc là tính kế thừa, lãnh đạo đi sau “vá lỗi” cho người tiền nhiệm. Cứ sau mỗi kỳ đại hội Đảng, điểm yếu, điểm mạnh, bài học kinh nghiệm đem ra mổ xẻ, phân tích kỹ lưỡng. Những gì tốt nhất tập hợp thành văn kiện - đó là kim chỉ nam cho mọi hành động.

Thứ hai, so với Ấn Độ, Trung Quốc có bề dày công nghiệp. Người Trung Hoa là thủy tổ của nhiều nghề thủ công nghiệp, rồi mở mang thành những trung tâm lớn ở phía Đông Bắc lãnh thổ. Đến thời Minh, Thanh, hệ thống công nghiệp Trung Quốc khá hoàn chỉnh.

Đặc biệt sau cải cách của ông Đặng Tiểu Bình, điểm đáng chú nhất là chính sách hướng Tây. Nói cách khác, giới chính trị gia Trung Quốc rất biết cách điều chỉnh thái độ ngoại giao với các trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới lúc bấy giờ là Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản.

Câu nói “mèo đen mèo trắng không quan trọng, miễn là bắt được chuột” của Đặng Tiểu Bình trở thành triết lý áp dụng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, đặc biệt là kinh doanh ở đất nước khi đó có nền kinh tế còn ở mức độ thấp kém này.

Sau cải cách đến nay, hệ thống hạ tầng của Trung Quốc từng bước hoàn thiện. Đến nay, các trung tâm sản xuất ở nước này đạt đến mức độ hoàn hảo, họ có thể sản xuất bất cứ thứ gì, với tốc độ rất nhanh và rẻ.

Ví dụ, doanh nghiệp Trung Quốc có thể sản xuất hàng chục nghìn chiếc áo phục vụ cổ vũ World Cup chỉ trong 2 tuần. Sự bùng nổ sản xuất cũng diễn ra ở Ấn Độ nhưng với quy mô nhỏ và công nghệ thô sơ hơn nhiều.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 10%/năm trong suốt 35 năm liên tục, chưa một nền kinh tế nào trên thế giới có thể duy trì nhịp độ phát triển nhanh và lâu như vậy. Dĩ nhiên, nó mang lại cơ hội kiếm tiền cho các công ty đa quốc gia.

Trung tâm sản xuất sản phẩm của Apple ở Trịnh Châu, Trung Quốc (Ảnh: IT).

Thứ ba, Trung Quốc sở hữu đầy đủ điều kiện để mặc cả với doanh nghiệp nước ngoài, khiến họ không thể muốn đi là được. Có thời điểm doanh nghiệp nước ngoài xếp hàng chờ được phê duyệt đầu tư, sợi dây thòng lọng sắp sẵn, buộc chơi theo luật do chủ nhà đặt ra, ví dụ như bắt buộc chuyển giao công nghệ.

Sự phát triển đến khổng lồ của Apple tại Trịnh Châu khiến họ không có khả năng di dời sang bất cứ quốc gia nào khác. Tính rủi ro ở chỗ, nếu mỗi khâu sản xuất chỉ tăng chi phí 0,1USD thì hãng công nghệ Mỹ không thể cạnh tranh lại Samsung, Oppo, Xiaomi.

Thứ tư, nói đến sức mạnh kinh tế Trung Quốc, không thể không có vai trò của hàng trăm triệu Hoa kiều - doanh nhân đang làm ăn khắp thế giới. Người Hoa làm chủ các chuỗi cung ứng hàng tiêu dùng từ châu Á đến tận châu Phi, Mỹ Latin, thậm chí đã thâm nhập vào trung tâm châu Âu.

Dựa vào hệ thống chân rết này mà doanh nghiệp Trung Quốc có thể lưu chuyển hàng hóa nhanh hơn bất cứ tập đoàn vận tải nào trên thế giới. Ví dụ, chỉ cần một vài ngày để vừa sản xuất vừa đưa sản phẩm phục vụ sự kiện World Cup từ Thâm Quyến đến Qatar.

Ở Qatar, thương nhân Hoa kiều đợi sẵn, họ tự phân phối tại các cửa hàng bán lẻ thuộc quyền sở hữu của mình mà không cần cậy nhờ bất cứ đơn vị phân phối nào ở quốc gia sở tại.

Chủ đề: ấn độ , trung quốc Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *