Quốc tế 19/08/2020 10:02

Nhật Bản tăng cường sở hữu đất hiếm để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc

Nhật Bản đang tiến tới tăng dự trữ khoáng sản đất hiếm và sẽ giúp các công ty trong nước có được cổ phần tại các mỏ ở nước ngoài.

A bastnaesite mineral containing rare earth. Photo: Reuters

Khoáng sản bastnaesite chứa nhiều nguyên tố đất hiếm

Ngoài ra, Nhật Bản cũng sẽ tăng cường khả năng chế biến nguyên liệu thô thành các khoáng chất có giá trị cần thiết cho các phương tiện giao thông hiện đại như xe điện, thiết bị liên lạc và các công nghệ tiên tiến khác.

Những bất đồng trong ngoại giao với việc Bắc Kinh khiến Tokyo lo ngại Trung Quốc sẽ cấm vận xuất khẩu khoáng sản đất hiếm sang Nhật Bản. Trong khi đó, sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 trong những tháng gần đây đã thúc đẩy Nhật Bản nỗ lực đảm bảo các nguyên liệu quan trọng tương lai cho việc chế tạo sản xuất của các công ty trong nước.

Nhiều bằng chứng cho thấy, Trung Quốc đã sử dụng việc xuất khẩu đất hiếm để tạo lợi thế cho mình trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Dữ liệu hải quan cho thấy, xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc đã giảm 16% trong tháng 5/2019 so với tháng trước đó. Mỹ là nhà nhập khẩu đất hiếm lớn nhất thế giới từ Trung Quốc, với 59% kim ngạch nhập khẩu đến từ Trung Quốc. Các nhà phân tích cho hay, việc cấp phép xuất khẩu đất hiếm sẽ tạo đòn bẩy trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Vào tháng 3, Nhật Bản đã công bố kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc về khoáng sản đất hiếm và đa dạng hóa các tuyến đường cung cấp. Hiện tại, Trung Quốc đang cung cấp 58% đất hiếm nhập khẩu vào Nhật Bản, trong khi đó, Bắc Kinh cũng đã nhanh chóng đạt được thỏa thuận với các chính phủ khác để tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên này.

Chẳng hạn như Cộng hòa Congo là nước sản xuất coban lớn nhất thế giới và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận với chính phủ nước này để 60% sản lượng coban khai thác ở Congo sẽ được chuyển đến Trung Quốc.

Nhật Bản phụ thuộc vào nhập khẩu 34 loại khoáng sản đất hiếm, bao gồm terbi, europium, yttrium và lithium. Theo kế hoạch mới của chính phủ, kho dự trữ chiến lược của hầu hết các loại khoáng sản này đang được mở rộng từ 60 ngày tiêu thụ nội địa thành nguồn cung đủ để đáp ứng nhu cầu trong 180 ngày.

Theo báo Yomiuri đưa tin, nhu cầu đối với những vật liệu này dự kiến sẽ tăng mạnh khi nhu cầu toàn cầu tăng lên đối với xe điện và các công nghệ thế hệ tiếp theo khác. Tokyo đang đặt mục tiêu đảm bảo rằng mình vẫn sẽ dẫn đầu so với các quốc gia khác trong các lĩnh vực này.

Ivan Tselichtchev, giáo sư tại Đại học Quản lý Niigata cho hay: “Phụ thuộc vào Trung Quốc là một điều khá nhạy cảm đối với Nhật Bản và giờ đây chúng tôi cũng đang chứng kiến những gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu bởi Covid-19, những tác động của nó đối với ngành công nghiệp ở đây rất tiêu cực.”

Ông nói với tờ South China Morning Post rằng: “Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã nỗ lực phát triển các vật liệu thay thế để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng điều đó đang khiến Nhật Bản mất khá nhiều thời gian. Và đó chính là mối lo ngại của Nhật Bản.”

 Magnets made from chemically processed rare earths in Beijing. Japan’s dependency on China for exotic metal shipments has come into question. Photo: AP

Nam châm làm từ đất hiếm đã qua xử lý hóa học ở Bắc Kinh. Sự phụ thuộc của Nhật Bản vào Trung Quốc đối với các lô hàng kim loại lạ đã đặt ra nhiều câu hỏi. Ảnh: AP

Ivan Tselichtchev còn chỉ ra rằng: “Chúng tôi đã chứng kiến Trung Quốc cố gắng sử dụng xuất khẩu như một công cụ ngoại giao để gây áp lực ngầm lên các đối tác của mình.”

Chẳng hạn như vào năm 2010, Tselichtchev cho biết, Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu các nguyên tố đất hiếm sau vụ va chạm liên quan đến tàu đánh cá Trung Quốc và tàu tuần duyên Nhật Bản ngoài khơi các đảo tranh chấp giữa Bắc Kinh và Nhật Bản.

Lo lắng về việc Trung Quốc chặn xuất khẩu vì mục đích chính trị của họ đã tăng lên trong những tháng gần đây do sự bùng phát virus corona, vốn đang làm chậm chuỗi cung ứng và có khả năng ngừng cung cấp một số loại đất hiếm nếu một quốc gia có cơ sở hạ tầng y tế yếu kém bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng .

Theo kế hoạch của chính phủ Nhật Bản, bảo lãnh nợ sẽ được mở rộng thông qua Tổng công ty Quốc gia Dầu khí và Kim loại Nhật Bản trực thuộc chính phủ đối với các công ty muốn có được các nhà máy lọc dầu hiện có hoặc xây dựng cơ sở của riêng mình, cũng như hỗ trợ các công ty muốn đầu tư trong các hoạt động khai thác mỏ ở nước ngoài.

Song song với nỗ lực này, chính phủ đã đầu tư rất nhiều vào việc tìm kiếm các khoáng chất đất hiếm ở các vùng biển ngoài khơi Nhật Bản. Vào cuối năm 2018, các nhà khoa học từ Đại học Tokyo và Cơ quan Công nghệ Khoa học Trái đất và Biển Nhật Bản đã công bố rằng, một khu vực ở dưới đáy biển cách Tokyo 2.000 km về phía nam chứa hàng triệu tấn đất hiếm.

Các nhà nghiên cứu đã xác định được một dải đất rộng 400 km vuông dưới đáy biển mà họ ước tính chứa 16 triệu tấn oxit đất hiếm, với nguồn cung cấp yttrium ước tính lên đến khoảng 780 năm nhu cầu trong nước, cũng như 620 năm europium, 420 năm terbium và 730 năm dysprosi.

Europium đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển phốt pho và gốm sứ, đặc biệt các ứng dụng trong lĩnh vực quốc phòng và hạt nhân cũng đều cần đến thứ kim loại giá trị này. Terbium và dysprosi cũng rất quan trọng trong công nghệ quốc phòng, gốm sứ và nam châm tiên tiến.

Nghiên cứu khẳng định rằng, mỏ đất hiếm trên có tiềm năng cung cấp các kim loại này trên cơ sở bán vô hạn cho thế giới.

Báo cáo trên chính là một sự phát triển tích cực cho ngành công nghiệp Nhật Bản và việc khai thác thu hồi các loại khoáng sản này sẽ không tốn kém kinh tế trong thời đại công nghệ hiện nay.

Mặc dù, Nhật Bản đã đưa ra nhiều động thái để thu hẹp khoảng cách công nghệ đó, nhưng không thể tránh khỏi việc Nhật Bản sẽ phụ thuộc vào nhập khẩu đất hiếm của Trung Quốc trong một số năm tới.

 Thùy Dung

Theo SCMP

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *