Quốc tế 19/03/2014 09:59

Mỹ có nên mở kho dự trữ dầu chiến lược để đối phó Nga?

FICA - Nếu mở kho dầu dự trữ, giá dầu thế giới sẽ giảm 10-12 USD/thùng và khiến Nga thiệt hại ước tính 40 tỷ USD/năm từ xuất khẩu dầu khí.

Nga công nhận và đồng ý sáp nhập khu tự trị Crimea khiến các chính khách châu Âu và Bắc Mỹ tìn mọi cách để có thể thuyết phục Nga rút quân khỏi đây. Đặc biệt, họ cũng tìm các biện pháp trừng phạt có thể ảnh hưởng tới Nga ngay tức khác, đặt sức ép lên giới chức nước này mà không ảnh hưởng đến thế giới. Một số người đề xuất đẩy mạnh xuất khẩu khí đốt từ Mỹ sang châu Âu, tuy nhiên, biện pháp này sẽ không hữu hiệu bởi sẽ phải mất vài năm.
Trong khi đó, một biện pháp được cho là sẽ có tác động mạnh và nhanh chóng đến Nga đó là Mỹ nên mở kho dầu dự trữ chiến lược (SPR) nhằm kìm hãm giá dầu.


Hiện dự trữ dầu chiến lược của Mỹ khoảng 694 triệu thùng. Đây là số dầu thô được chính phủ Mỹ dự trữ trong giai đoạn 1977 đến 2009 nhằm sẵn sàng đối phó khi thị trường dầu toàn cầu bị gián đoạn nghiêm trọng. Đến nay, Mỹ không cần một kho dự trữ quá lớn như vậy song vẫn phải duy trì SPR theo quy định của Chương trình năng lượng quốc tế buộc dự trữ lượng dầu tương đương 90 ngày nhập khẩu. Thực tế, Mỹ có thể dễ dàng bán 500.000 đến 750.000 thùng dầu/ngày trong vòng 2 năm mà không phạm vào quy định.


Ảnh hưởng tới Nga ra sao?


Theo ước tính của chuyên gia phân tích của Financial Timea, nếu Mỹ mở SPR và không có sự can thiệp nào khác, giá dầu thế giới có thể giảm 10-12 USD/thùng, tuy chỉ là giảm 10% nhưng sẽ ảnh hưởng lớn đến Nga. Nếu giá dầu thô giảm 10 USD/thùng, kim ngạch xuất khẩu dầu của Nga sẽ giảm khoảng 40 tỷ USD, tương đương 10% kim ngạch xuất khẩu dầu năm 2012 của nước này. GDP của Nga có thể giảm 4%.


Ngoài ra, Mỹ mở SPR cũng sẽ khiến rúp mất giá và làm gia tăng khó khăn kinh tế cho Nga. Giá dầu giảm cũng mang lại lợi ích cho người tiêu dùng châu Âu vốn dựa vào khí đốt của Nga, trong đó có người tiêu dùng Ukraine. Đó là bởi vì Nga liên hệ giữa giá khí đốt xuất sang châu Âu với giá dầu.
Do đó, với việc bán dầu trong kho dự trữ, Mỹ sẽ giúp châu Âu mua khí đốt với giá rẻ hơn. Còn tại Mỹ, giá dầu giảm sẽ kéo theo giá xăng giảm 25 cent/gallon. Khoản thu từ bán dầu dự trữ chiến lược có thể giúp Mỹ giảm thâm hụt ngân sách.


Tuy nhiên, có 2 giả thiết “nếu” cho kịch bản này. Thứ nhất là việc bán dầu dự trữ phải được Quốc hội Mỹ thông qua nếu muốn bán cho nước ngoài, quy trình này tốn vài tuần thậm chí vài tháng. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ cũng có thể thông qua nhanh chóng nếu việc làm này là cần thiết để trừng phạt Nga.


Phản ứng của Ả-rập Xê-út


Giả thiết “nếu” thứ hai đó là phản ứng của Ả-rập Xê-út. Nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới này cũng chịu chung kết cục là kim ngạch xuất khẩu dầu giảm. Tuy nhiên, Ả-rập Xê-út có thể sẽ chấp nhận bởi họ cũng có khúc mắc với Nga về vấn đề Iran và Syria. Giới chức Ả-rập Xê-út có thể sẽ chấp nhận để Mỹ bán dầu dự trữ mà không can thiệp nhằm đối phó với Nga.


Không giống Nga, kinh tế của Ả-rập Xê-út có thể ứng phó với giá dầu giảm bởi ngân sách được lập dựa trên cơ sở giá dầu thấp và bởi quốc gia này có nguồn dự trữ tài chính lớn có thể bù đắp khi giá dầu giảm. Nhiều khả năng Ả-rập Xê-út sẽ không phản ứng gì nếu Mỹ giới hạn mức giảm giá dầu trong 10%.

Phương Linh
Theo FT

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *