Quốc tế 18/03/2014 16:53

Trung Quốc đối mặt với cuộc khủng hoảng “thành phố ma” mới

FICA - Trung Quốc đối mặt với vụ vỡ nợ bất động sản lớn nhất từ trước tới nay khi chính sách thắt chặt tín dụng đe dọa chấm dứt giai đoạn bùng nổ nhà đất, dẫn đến nhiều dự án bỏ không – những “thành phố ma” trên khắp cả nước.



Nhật báo Daily News của Trung Quốc vừa cho biết, công ty bất động sản Xingrun tại thành phố Ninh Bô đang trên bờ vực phá sản với khoản nợ gần 630 triệu USD, chủ yếu là nợ ngân hàng. Chính quyền địa phương ở đây đã lập một nhóm chuyên trách nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng.


Zhiwei Zhang, chuyên gia tại ngân hàng Nomura nói: “Như chúng tôi được biết, đây là công ty bất động sản lớn nhất trong những năm gần đây đang có nguy cơ phá sản. Chúng tôi cho rằng sự điều chỉnh mạnh mẽ của thị trường bất động sản có thể gây ra một cuộc khủng hoảng mang tính chất hệ thống ở Trung Quốc và là rủi ro lớn nhất với Trung Quốc trong năm 2014. Mức độ rủi ro đặc biệt cao ở những thành phố loại 3 và loại 4 chiếm 67% dự án bất động sản dở dang năm 2013”.


Nomura cho biết, thành phố ma ở Trung Quốc không chỉ còn là Ordos hay Ôn Châu mà hiện có thêm ít nhất 8 thành phố nữa. 3 công ty bất động sản đã bỏ không dự án dở dang ở thành phố Dinh Khẩu trên bán đảo Liêu Đông do hết tiền.

Li Kashing, tỷ phú giàu nhất châu Á, rút dần đầu tư khỏi bất động sản Trung Quốc trong đó có Duhui Palace ở Quảng Châu và Trung tâm tài chính Oriental ở Thượng Hải.


Yu Xuejun, cán bộ điều tiết ngân hàng tại Giang Tô nhận định, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc bán đất để huy động ngân sách của các cơ quan chính phủ. “Vỡ nợ tín dụng chắc chắn sẽ xảy ra. Vấn đề là thời gian, quy mô và mức độ ảnh hưởng mà thôi”, ông Yu nói.


Nomura cho biết, diện tích sàn xây dựng nhà ở Trung Quốc năm 2013 tăng 5 lần từ 497 triệu m2 lên gần 2,6 tỷ m2. Bình quân diện tích sàn xây dựng trên đầu người cũng lên 30m2, cao hơn mức ở Nhật Bản năm 1988 ngay trước khi thị trường bất động sản Tokyo sụp đổ.


Theo một nghiên cứu mới của Quỹ tiền tệ quốc tế, tỷ lệ đầu tư xây dựng nhà ở trên GDP ở Trung Quốc năm 2012 là 9,5%, cao hơn Nhật Bản và Hàn Quốc ở thời kỳ đỉnh điểm, và thậm chí cao hơn Mỹ trong giai đoạn bong bóng cho vay thứ cấp.


Từ lâu Trung Quốc đã được cảnh báo về nguy cơ vỡ bong bóng nhà đất. Cơn sốt nhà đất Trung Quốc lên đỉnh điểm vào giữa năm 2012 khi một đợt thắt chặt tiền tệ khiến giá nhà lao dốc nhanh chóng. Giá phục hồi sau đó ở các thành phố loại 1 như Thượng Hải, Bắc Kinh song những thành phố này chỉ chiếm 5% tổng dự án xây dựng ở Trung Quốc. Giá bất động sản ở các thành phố loại 3, loại 4 giảm tới 43%.


Thị trường bất động sản Trung Quốc chịu sức ép khi cuộc khủng hoảng dân số học bắt đầu gây tác động tiêu cực. Lực lượng lao động giảm 3,45 triệu người năm 2012, giảm tiếp gần 2,3 triệu người năm 2013, số người từ nông thôn di cư lên thành thị giảm 1 nửa từ 12,5 triệu người năm 2010 xuống còn 6,3 triệu người. Nomura dự đoán, thậm chí đến năm 2016 sẽ là xu hướng di cư về các vùng nông thôn.




Phương Linh
Theo Telegraph

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *