Quốc tế 23/03/2015 07:49

Khi người Mỹ tự bắn vào chân trong cuộc chiến giá dầu

Giá dầu sau một thời gian được duy trì ở mức 60 USD/thùng cuối cùng cũng có những dấu hiệu thay đổi, và là theo chiều hướng xấu khi tụt xuống mốc 55 USD/thùng. Gần như chắc chắn giá dầu sẽ còn giảm sâu thêm trong thời gian tới khi hầu hết các nước xuất khẩu dầu lớn nhất đang tăng sản lượng một cách chóng mặt.

gia dau

Những lời đồn đại đi kèm lo âu về một cuộc chiến giá dầu thứ hai xảy ra có thể sẽ nhấn chìm nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng lan rộng trong giới kinh tế tài chính thế giới. Thế nhưng có vẻ như nguy cơ này đang giảm dần khi những động thái mới nhất ở nước Mỹ, vốn là điểm tựa và là đòn bẩy của nền kinh tế thế giới, đang cho thấy khả năng họ tránh tham gia vào một cuộc chiến giá dầu nữa vì không muốn tự đá thang cho mình ngã.

 

Tuần qua là tuần không may mắn cho ngành dầu lửa Mỹ, khi hàng loạt tin tức xấu bỗng dưng không hẹn mà gặp dồn lại và bung ra cùng một lúc. Nghiên cứu về tài chính cho thấy bên trong vẻ bề ngoài hùng hổ của ngành dầu lửa Mỹ với sản lượng khai thác ngày một tăng, lại đang là một sự đuối sức. Nghiên cứu này cho thấy ngành dầu lửa đang là lĩnh vực có tổng mức dư nợ cao nhất trong nền kinh tế Mỹ ở thời điểm hiện tại, lên tới 40% và hầu như các doanh nghiệp dầu hoàn toàn phụ thuộc vào các khoản vay và phát hành trái phiếu để tồn tại. 
 
Và việc các doanh nghiệp khai thác này tăng sản lượng cũng chỉ là để có tiền trang trải các khoản nợ ngắn hạn mà thôi, chứ không phải vì một cuộc đua về sản lượng và thị phần trên thị trường thế giới như Nga hay OPEC đang làm. Thống kê tài chính này vì thế gần như một nhát dao đâm thẳng vào tử huyệt của ngành dầu lửa của Mỹ, khi nó đang chỉ ra rằng nước Mỹ sẽ rất khó có thể trụ nổi một cách lâu dài nếu một cuộc chiến giá dầu nữa bùng nổ.
 
Thế nhưng, đó vẫn chưa phải là tin xấu nhất. Bản báo cáo đó dù sao cũng chỉ đơn thuần mang ý nghĩa là “vạch áo cho người xem lưng” mà thôi, nó không ảnh hưởng nhiều đến khả năng hoạt động của các doanh nghiệp dầu lửa Mỹ. So về tác động nghiêm trọng, thì bản báo cáo tài chính đó không là gì so với một vụ kiện lớn mà các doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến của nước này đang có nguy cơ phải đối mặt do những tác động xấu về môi trường – một vụ kiện đang đe dọa sẽ làm tăng các chi phí của loại hình khai thác này lên đáng kể, góp phần lớn vào việc làm suy yếu các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này.
 
Vụ kiện mà Bộ Nội vụ Mỹ đang dự tính thực hiện đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp dầu đá phiến Mỹ sẽ không chỉ bị phạt một khoản tiền khổng lồ để giải quyết các hậu quả môi trường từ trước đến nay, mà còn đồng nghĩa với một sự tăng chi phí không nhỏ trong các dự án khoan tiếp theo.
 
Theo đó, sau một cuộc điều tra kéo dài 3 năm, và kéo theo nhiều cuộc tranh cãi, Bộ Nội vụ Mỹ hôm thứ sáu đã ra phán quyết rằng quả thực hoạt động khai thác dầu đá phiến của các doanh nghiệp Mỹ đang gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, và Bộ Nội vụ sẽ buộc các công ty này phải công khai các loại hóa chất mà họ sử dụng trong quá trình khai thác để có biện pháp xử lý ô nhiễm, cũng như từ nay sẽ thắt chặt các tiêu chuẩn về kỹ thuật và môi trường đối với các công ty khai thác loại dầu này. 
 
Sở dĩ như thế, là vì hoạt động khai thác dầu đá phiến hiện nay chủ yếu sử dụng công nghệ khoan thủy lực, trong đó một hỗn hợp nước lạnh và các loại hóa chất sẽ được bơm vào các tảng đá có chứa dầu để hút dầu phiến ra. Đa phần các giếng dầu phiến đều nằm dưới các mạch nước ngầm, và điều này đồng nghĩa với việc để khoan thành công sẽ có một lượng lớn nước thải chứa các hóa chất độc hại hòa lẫn vào các mạch nước ngầm, gây ô nhiễm trầm trọng. 
 
Điều đáng nói là hiện nay đa phần các công ty khai thác ở Mỹ đều sử dụng những loại hóa chất riêng trong quá trình khai thác để làm giảm chi phí và rất ít công ty công bố loại hóa chất này, điều này đang gây khó khăn rất lớn cho các hoạt động xử lý ô nhiễm sau đó. Quan trọng hơn, là hiện nay vẫn chưa có chế tài xử lý các doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến xả chất thải ra môi trường, thường là vào nguồn nước ngầm, dù về lý thuyết các công ty này phải xây dựng bể chứa nước thải riêng trong quá trình khai thác.
 
Tình hình ô nhiễm môi trường đã trở nên nghiêm trọng đến mức, trong số 100 ngàn giếng dầu trên toàn nước Mỹ, thì gần 90% trong số đó sử dụng phương pháp khoan thủy lực này. Thậm chí ở một số bang nước Mỹ, số lượng các trận động đất đã tăng lên đáng kể cũng xuất phát từ các hoạt động khai thác dầu phiến này, khi mà nó gây ra sự xáo trộn các tầng địa chất ở khu vực khoan. 
 
Áp lực từ phía người dân địa phương ở gần những địa điểm khai thác dầu đá phiến và các tổ chức môi trường đang buộc giới chức Mỹ không thể làm ngơ thêm dù họ đã cố gắng trì hoãn vấn đề này trong suốt gần 3 năm qua. Kate Zimmerman, giám đốc liên đoàn bảo vệ động vật hoang dã Mỹ, tuyên bố “một quả táo hỏng có thể làm hỏng cả thùng táo, và tương tự, một công ty khai thác dầu đá phiến có thể làm hỏng cả một tầng nước ngầm”.
 
Dù giới chức Mỹ vẫn đang cố gắng để bảo vệ các doanh nghiệp khai thác dầu phiến này, khi chỉ đưa ra mức 5.500 USD chi phí cần thiết dành cho xử lý chất thải ở mỗi giếng so với mức 97.000 USD mà các tổ chức phi chính phủ ước tính cần thiết để xử lý chất thải ở mỗi giếng, thì một vụ kiện ầm ĩ liên quan đến vấn đề khắc phục tình trạng ô nhiễm ở các giếng dầu phiến cũng đang khiến các công ty nước này phải kinh hoàng. 
 
Nó sẽ đồng nghĩa với các khoản chi phí khổng lồ để theo đuổi vụ kiện, đó là chưa kể tới khoản tiền phạt cũng lớn không kém một khi thua kiện. Và kể cả những hậu quả đó chưa diễn ra, thì việc phải mất thêm chi phí để xử lý chất thải trong quá trình khai thác – một việc trước đây vẫn bị các công ty này lờ đi – cũng có nghĩa là chi phí cho mỗi thùng dầu phiến sẽ còn gia tăng hơn nữa. 
Nguy cơ phải giảm sản lư
ợng khai thác đã ở ngay trước mắt các doanh nghiệp Mỹ, và điều này thì cũng có nghĩa là một cuộc chiến giá dầu thứ hai sẽ khó có thể xảy ra. Và trớ trêu là, có lẽ thế giới sẽ cần cám ơn người Mỹ rất nhiều về vấn đề này, khi mà một cuộc chiến giá dầu nữa là điều không ai muốn ở thời điểm hiện tại.
 

Theo Nhàn Đàm 

Một thế giới/Bloomberg

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *