Quốc tế 22/03/2015 08:03

Đâu là giới hạn cuối cùng mà Mỹ dành cho Trung Quốc?

Những ngày này, giới phân tích tài chính toàn cầu đang trở nên ồn ào xung quanh việc Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á trong đó Trung Quốc là cổ đông lớn nhất chính thức bắt đầu đi vào hoạt động sau khi tuyên bố thành lập vào hồi cuối năm 2014.

Trung Quoc

Nó được xem như thách thức lớn nhất đối với hai ông trùm vẫn đang kiểm soát hệ thống tài chính châu Á ở thời điểm hiện tại là Nhật Bản và Mỹ, và đi liền với tham vọng mở rộng ảnh hưởng tài chính đó sẽ là những tham vọng mở rộng ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc. Nhưng liệu đó có thực sự là một sự thách thức nặng ký đủ để khiến người Mỹ thay đổi chiến lược của mình với Trung Quốc hay không, khi mà trên thực tế nó vẫn đang nằm trong tính toán và còn xa mới chạm đến giới hạn mà người Mỹ đặt ra cho Trung Quốc.

Trên thực tế, chiến lược tổng thể dùng để ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc đã được người Mỹ thiết lập từ đầu những năm 1990 dưới thời tổng thống Bill Clinton, bắt nguồn từ những tính toán chiến lược của cố vấn Brezinsky dưới thời tổng thống Carter. Theo đó, một phản ứng theo kiểu diều hâu trong đó kiềm chế hoàn toàn và không cho phép Trung Quốc trỗi dậy về kinh tế và quân sự là điều bất khả thi đối với một nước lớn và đông dân như Trung Quốc. 
 
Thay vào đó, chiến lược của Washington sẽ là để Trung Quốc tận dụng những tiềm năng của mình để phát triển kinh tế và đem lại lợi ích không chỉ cho kinh tế Trung Quốc mà còn cho nền kinh tế toàn cầu; nhiệm vụ của Mỹ khi đó sẽ là dọn đường và tìm cách đảm bảo để Trung Quốc hội nhập với thế giới một cách yên ổn. Khi đó sự liên hệ mật thiết cả về kinh tế, chính trị lẫn an ninh giữa Trung Quốc và thế giới sẽ tự động trở thành những sợi dây ràng buộc ngăn không cho Trung Quốc đi theo con đường của người Đức trong thế kỷ 20.
 
Tất cả cácchính sách mà Washington đang tiến hành ở châu Á đều tuân thủ triệt để chiến lược mà các chuyên gia vẫn gọi là “kiềm chế và hội nhập” này. Mỹ ký hiệp định thương mại song phương với Trung Quốc trong đó cho phép Trung Quốc được hưởng quy chế “tối huệ quốc”, Mỹ chấp nhận để Trung Quốc gia nhập WTO và làm mọi thứ được xem là cần thiết để đưa nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng. Với quy mô khổng lồ cả về diện tích lãnh thổ và dân số, một nền kinh tế Trung Quốc mạnh mẽ sẽ trở thành một tác nhân quý giá với sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó Trung Quốc đóng vai trò là một trung tâm năng động góp phần vào sự phồn vinh của kinh tế thế giới. 
 
Nhưng cùng với đó, Mỹ cũng đồng thời tìm cách ngăn chặn không cho Trung Quốc trở thành một con ngáo ộp ở khu vực. Hiệp ước quân sự giữa Mỹ và các nước đồng minh trong khu vực như Nhật Bản hay Hàn Quốc được tăng cường, Mỹ cũng góp mặt sâu hơn trong những va chạm về lãnh thổ có Trung Quốc như một cách kiềm chế hữu hiệu với Bắc Kinh. Vì thế, đồng thời với việc chấp nhận để Trung Quốc trở thành một cường quốc kinh tế, Mỹ cũng đang bủa vây một hàng rào cần thiết bao gồm các nước trong khu vực để ngăn chặn sự bành trướng thế lực của Trung Quốc như một sự đảm bảo.
 
Vì thế, mọi động thái của Trung Quốc, chỉ cần chưa bước qua giới hạn mà người Mỹ đặt ra thì khi đó mọi chuyện vẫn ổn. Kể cả việc Trung Quốc đứng ra thành lập ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á ở thời điểm hiện tại để cạnh tranh ảnh hưởng tài chính với Nhật Bản và Mỹ ở châu Á cũng vậy. Trong chiến lược của mình, Mỹ sẽ chấp nhận vai trò của Trung Quốc như một trung tâm kinh tế năng động ở khu vực châu Á có thể góp phần vào sự phồn vinh và thịnh vượng của khu vực. 
 
Việc thành lập một ngân hàng tài chính có thể cung cấp nguồn vốn cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Á của Trung Quốc vì thế không có gì đi ngược lại với chiến lược của người Mỹ, mà điều này còn đang thể hiện Trung Quốc đang đi theo đúng con đường mà Mỹ và dự tính và vạch ra. 
Vì một thực tế đơn giản là, một cường quốc kinh tế ở châu lục như Trung Quốc sẽ tự động đồng nghĩa với một ảnh hưởng kinh tế đi liền với nó mà sự ngăn chặn là điều bất khả thi. Sẽ không thể có chuyện một nền kinh tế thứ hai thế giới và số một châu Á như Trung Quốc lại không có được một ảnh hưởng kinh tế lan rộng ở châu Á được. Người Mỹ hiểu rõ điều này và chấp nhận một cách khá dễ dàng.
Và dù thực tế hiện nay Mỹ có thể sẽ gần như không gia nhập vào ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á AIIB mà Trung Quốc mới thành lập, thì sự chấp nhận nó của Washington là điều rõ ràng. Mỹ và chấp thuận để các đồng minh quan trọng nhất của mình gia nhập AIIB mà không cản trở, lần lượt Anh, Pháp, Đức, Ý đã gia nhập và có thể trong thời gian tới sẽ là Australia và Hàn Quốc. Trên thực tế sự có mặt của các nền kinh tế hàng đầu thế giới và là đồng minh của Mỹ trong hội đồng quản trị của AIIB sẽ giúp hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc đối với việc tiến hành các dự án cho vay trong khu vực. 
 
Cũng không nên quá đề cao mục đích muốn bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua AIIB, vì nếu muốn thực hiện ý định này thì những khoản vay song phương sẽ hữu ích hơn nhiều. Một khi đã đưa ra một dự án cho vay ở một tổ chức tài chính về danh nghĩa là trung lập như AIIB, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ không nhận được sự ưu đãi như đối với các khoản vay song phương mà sẽ phải tham gia đấu thầu một cách bình đẳng.
 
Để đối phó với việc Trung Quốc tìm cách mở rộng ảnh hưởng kinh tế cũng không phải là chuyện gì khó khăn với Mỹ. Sẽ cần một thời gian dài để AIIB có thể sánh ngang với Ngân hàng phát triển châu Á ADB vốn có bề dày kinh nghiệm và số lượng thành viên đông đảo và đầy thực lực, nhất là khi với sự cạnh tranh của AIIB thì Nhật Bản và Mỹ nhiều khả năng sẽ thúc đẩy sức mạnh ADB để tăng cường khả năng cho vay của hệ thống tài chính vốn vẫn nắm giữ vị thế đứng đầu trong việc cung cấp tài chính cho các dự án phát triển ở châu Á này. 
 
Một khi Nhật Bản và Mỹ làm được điều này, AIIB sẽ chỉ còn đóng vai trò là một nguồn cung cấp tài chính thứ hai bên cạnh ADB cho sự phát triển của châu Á một cách vô hại và hữu ích cho khu vực mà thôi.
 

Theo Nhàn Đàm 

Một thế giới/Bloomberg

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *