Quốc tế 16/01/2014 16:14

IMF cảnh báo giảm phát cản trở tăng trưởng toàn cầu

FICA - Bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc IMF cảnh báo rằng, mối đe dọa giảm phát ngày càng cao đang làm chệch hướng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu vì thế giới vẫn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính.




Trong bài phát biểu ở Câu lạc bộ báo chí quốc gia (National Press Club) tại Washington, bà Lagarde nói: “Tại nhiều nước, lạm phát đang ở dưới mức mục tiêu của các Ngân hàng Trung ương cho thấy rủi ro giảm phát đang tăng cao. Điều này sẽ khiến nền kinh tế thế giới rất khó có thể phục hồi”.

Bà Lagarde cũng cảnh báo rằng, lạm phát cực thấp ở các nước giàu có có thể dẫn đến sụt giá. Tình trạng này đã đeo đẳng nền kinh tế của Nhật Bản suốt 2 thập kỷ qua.

Lạm phát thấp có thể khiến Ngân hàng Trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ một cách khác thường ngay cả khi số liệu việc làm ở các nước trong đó có Mỹ và Anh tăng vọt. Bà Lagarde nói thêm: "Chỉ khi chắc chắn rằng nền kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, Ngân hàng Trung ương mới có thể áp dụng trở lại các chính sách tiền tệ thông thường”.

Lần đầu tiên trong nhiều năm, lạm phát ở Anh đã giảm xuống mức mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Anh là 2 %, trong khi chỉ số CPI tại Mỹ tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) mới là khu vực đang ở trong tình trạng “nguy hiểm” nhất, với mức lạm phát chỉ còn 0,8 % và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 12,1 % trong tháng 12/2013.

Tình trạng giảm phát tuyệt đối có thể làm suy giảm hoạt động tiêu thụ và đầu tư bởi vì giảm phát làm tăng chi phí vay vốn thực và giảm tính hiệu quả của chính sách tiền tệ.

Theo bà Lagarde, bức tranh kinh tế tổng thể rất đáng khích lệ. Nền kinh tế toàn cầu đã tăng trưởng trở lại vào cuối năm 2013, nhưng vẫn ở tốc độ chậm. Điều này có nghĩa là số lượng việc làm trên thế giới có thể tăng lên trước khi những lo ngại về lạm phát toàn cầu phát sinh.

Theo bà Lagarde, nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng trở lại, nhưng điều quan trọng là cần phải tránh việc hỗ trợ tiền tệ bị rút lại trước thời hạn. Bà cũng cảnh báo về kinh tế Nhật Bản rằng đất nước này cần phải nỗ lực nhiều hơn để thoát khỏi giảm phát do chính sách Abenomics (chính sách do Thủ tướng Abe đưa ra nhằm tái thiết kinh tế Nhật Bản) làm tăng giá cả hàng hóa trên thị trường. Trong khi đó, khu vực đồng Euro đang chuyển từ suy thoái kinh tế sang giai đoạn phục hồi. Mặc dù vậy, tình trạng thất nghiệp vẫn còn là một vấn đề rất đáng lo ngại.


Nguyễn Dung
Theo Financial Times

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *