Quốc tế 01/07/2014 07:15

Giá vàng thế giới tăng quý thứ 2 liên tiếp

FICA - Giá vàng tăng 6,1% trong tháng 6, tăng 3% trong quý II và 10% từ đầu năm đến nay, vượt xa mức tăng của các chỉ số hàng hóa khác, cổ phiếu và trái phiếu.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/6, chỉ số S&P 500 giảm dưới 0,1%. Tính chung cả quý, chỉ số này tăng tới 4,7% trong đó có 6 phiên tăng liên tiếp. Dow Jones giảm 0,2%, cả quý II vẫn tăng 2,2%. Nasdaq lại tăng nhẹ 0,2%, đưa cả quý II tăng 5%. 
 
Các số liệu kinh tế mới công bố đã tác động không nhỏ tới thị trường. Hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones tăng đầu phiên do thông tin số lượng hợp đồng mua nhà đã qua sử dụng tăng vọt 6,1% trong tháng 5, tăng mạnh nhất hơn 4 năm qua, dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản phục hồi mạnh mẽ sau đợt chững lại đầu năm. Các cổ phiếu của các hãng xây dựng nhà ở thuộc S&P 500 tăng 1,1% với 10 trong 11 thành viên tăng điểm.
 
Tuy nhiên, ngay sau đó, Viện quản lý cung thông báo chỉ số kinh doanh giảm xuống 62,6 điểm trong tháng 6 từ mức 65,5 điểm tháng trước đó, trong khi các chuyên gia dự đoán chỉ giảm xuống 63 điểm. Điều này khiến thị trường đi xuống.
 
Các báo cáo khác trong tuần này sẽ cung cấp nhiều thông tin hơn về sức khỏe nền kinh tế Mỹ. Ngày mai sẽ là báo cáo doanh số sản xuất và doanh số ô tô, báo cáo việc làm của chính phủ sẽ được công bố ngày 3/7 trước kỳ nghỉ lễ. Giới đầu tư đồng thời chờ đón kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp sẽ được công bố trong tháng 7.
 
Giá vàng tăng quý thứ 2 liên tiếp, ghi nhận chuỗi tăng lâu nhất kể từ 2011 do nhu cầu tài sản an toàn tăng. USD xuống thấp nhất 1 tháng so với đổng euro do chỉ số hoạt động kinh doanh giảm mạnh hơn dự đoán. 
 
Trên sàn Comex, giá vàng giao kỳ hạn tháng 8 tăng 0,2% chốt phiên tại 1.322 USD/oz. Trong phiên có lúc giá chạm 1.330,4 USD/oz, cao nhất kể từ 14/4. Trên sàn Kitco, lúc 7h05 sáng nay, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á là 1.325,1 USD/oz, cao hơn đóng cửa cuối tuần trước 10 USD/oz.
 
Giá vàng tăng 6,1% trong tháng 6, tăng 3% trong quý II và tính chung từ đầu năm đến nay tăng tới 10%, vượt xa mức tăng của các chỉ số hàng hóa khác, cổ phiếu và trái phiếu. Điều này đi ngược lại với dự đoán giá tiếp tục giảm trong năm nay của Goldman Sachs và Societe Generale.
 
Nguyên nhân do bạo động leo thang tại Iraq và căng thẳng giữa Ukraine và Nga làm tăng nhu cầu tài sản phòng hộ, trong khi đó, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố sẽ duy trì lãi suất thấp trong "thời gian dài đáng kể".
 
Tuy giá vàng tăng nhưng lượng vàng nắm giữ của các quỹ ETF vẫn tiếp tục giảm. Theo số liệu của Bloomberg, tính đến ngày 20/6, lượng nắm giữ của các quỹ này chỉ là 1.712,9 tấn, thấp nhất kể từ tháng 10/2009. Giá vàng giảm 28% trong năm ngoái đã làm giảm hơn 73 tỷ USD giá trị từ các quỹ ETF.
 
Theo Hiệp hội kinh doanh trang sức và đá quý Ấn Độ, lượng vàng nhập khẩu nước này có khả năng giảm tới 77% trong 6 tháng đầu năm do các quy định khắt khe của chính phủ làm giảm thâm hụt tài khoản vãng lai.
 
Theo đó, lượng vàng nhập vào Ấn Độ có thể sẽ chỉ còn 150 tấn, giảm mạnh so với 650 tấn năm ngoái. Ấn Độ là nước tiêu thụ vàng lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ vàng vật chất của người dân bị hạn chế.
 
Giá dầu thô giảm do căng thẳng ở Iraq dịu lại. Trên sàn ICE, London, giá dầu Brent giao kỳ hạn tháng 8 giảm 0,8% chốt phiên tại 112,36 USD/thùng. Giá dầu Brent tuy vậy vẫn tăng 2,7% trong tháng 6 và 4,3% trong quý II. Trên sàn Nymex, New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8 giảm 0,4% xuống 105,37 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 2,6% trong tháng 6 và 3,7% trong quý II.
 
Phương Linh
Theo Bloomberg, Reuters
Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *