Quốc tế 17/04/2014 16:17

Gạt Nga khỏi thị trường tài chính toàn cầu – Vũ khí hiểm nhất của Mỹ

FICA - Ít nhất Mỹ từng có ý định cô lập Nga khỏi hệ thống giao dịch USD và đã áp lệnh cấm các ngân hàng làm ăn với Nga.

 

Theo các chuyên gia phân tích và cựu quan chức chính phủ, cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu là vũ khí mạnh nhất của Tổng thống Mỹ Barack Obama nếu muốn ngăn tham vọng của người đồng cấp Nga Vladimir Putin.


Dự kiến, ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ nhóm họp với quan chức Nga, Ukraine và Liên minh châu Âu tại Geneva để thảo luận tình hình miền đông Ukraine.  Một quan chức cấp cao cho biết, nếu cuộc đàm phán thất bại, Mỹ sẵn sàng hành động hơn nữa, nhằm vào những quan chức thân cận với ông Putin hay các định chế kinh doanh của họ. Lệnh trừng phạt nhằm vào các ngành kinh tế cũng là một lựa chọn, quan chức giấu tên cho biết.


“Vũ khí trừng phạt mạnh nhất sẽ giống với lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt với Iran và về cơ bản là tìm cách cô lập Nga khỏi thị trường tài chính toàn cầu. Người Nga lo ngại điều đó và đó cũng chính là cái mà người Nga muốn tránh”, William Pomeranz, phó giám đốc Viện nghiên cứu Kennan về Nga nhận định.


Tuy không nêu cụ thể, nhưng khi trả lời phỏng vấn đài CBS NEWS, ông Obama tuyên bố sẽ áp thêm lệnh trừng phạt Nga nếu ông Putin không ngừng hỗ trợ những phần tử vũ trang ly khai của Ukraine và không rút quân khỏi biên giới.


Quyền lực của Bộ tài chính Mỹ


Bộ Tài chính Mỹ có thể đóng băng các kênh tín dụng của Nga như vốn vay ngân hàng, các giao dịch thẻ tín dụng, thanh toán bù trừ. Về cơ bản, điều này sẽ gạt Nga khỏi thị trường toàn cầu, Robert Kahn, một thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ quốc tế chuyên về vấn đề kinh tế quốc tế ở Washington nói.


Cho đến nay, Bộ tài chính Mỹ mới thực thi trừng phạt nhằm vào 2 công ty lớn là ngân hàng Rossiya, công ty khí đốt Chernomorneftegaz của Crimea và một nhóm gồm quan chức ly khai của Crimea, các tài phiệt thân cận với ông Putin như Gennady Timchenko.


Nhằm vào ngân hàng có ảnh hưởng lan truyền lớn hơn là nhằm vào một cá nhân hay một công ty trong bất cứ ngành nào, Douglas N. Jacobson, luật sư tại Jacobson Burton nhận định. Theo chuyên gia này nó sẽ tạo ra hiệu ứng thứ cấp bởi các ngân hàng lớn của châu Âu, Nhật Bản và các ngân hàng phương Tây khác sẽ không muốn làm ăn với những ngân hàng bị Mỹ trừng phạt.


Bộ tài chính Mỹ đã sử dụng các biện pháp nhằm vào ngành tài chính khi trừng phạt Iran. Họ đã hợp tác với đối tác châu Âu để gạt Iran khỏi hệ thống dịch vụ ngân hàng.  Với Nga, hai hãng dịch vụ thẻ của Mỹ là Visa và MasterCard đã ngừng cung cấp dịch vụ cho một số ngân hàng của nước này.
Cựu quan chức CIA, ông Paul Pillar nói: “Mỹ có ảnh hưởng lớn đến hệ thống tài chính bởi hệ thống tài chính toàn cầu có sự liên kết chặt chẽ. Trừng phạt 4 ngân hàng lớn của Nga sẽ ảnh hưởng mạnh đến Nga”.

 

Phương Linh
Theo Bloomberg

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *