Góc nhìn 29/11/2020 09:18

Việt Nam và RCEP

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký ngày 15/11 gồm 10 nước ASEAN cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand sau 8 năm đàm phán.

Ông Ngô Văn Tuyển, Chuyên gia kinh tế

Cũng trong 8 năm tại vị, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thúc đẩy Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng đã bị người kế nhiệm Donald Trump vứt bỏ. 7 nước tham gia TPP giờ cũng tham gia RCEP trong đó có Việt Nam, Nhật Bản, Australia và New Zealand.

Trước đây Việt Nam hy vọng thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế khi tham gia TPP. Triển vọng đó là có thực khi hàng hoá xuất siêu vào Mỹ ngày càng tăng. Giờ TPP không có Mỹ còn RCEP có TQ, một đối tác thương mại mà Việt Nam nhập siêu ngày càng lớn.

RCEP có thị trường TQ là lớn nhất. TQ dù có mở rộng cửa hơn nữa thì hàng hoá Việt Nam cũng vẫn hạn chế. Các công ty toàn cầu của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đang sản xuất ở Việt Nam giờ sẽ thuận lợi hơn nữa khi nguồn cung ứng từ TQ đã thành nội khối.

Chưa có RCEP thì Việt Nam cũng đã mở rộng cửa đối với hàng TQ, giờ chỉ là mở hơn. Các mặt hàng như phân bón hay máy nông nghiệp không thuộc đối tượng chịu thuế VAT là đã hỗ trợ nhập khẩu từ TQ và hại chính nhà sản xuất trong nước vì tất cả VAT đầu vào sản xuất trong nước đã đi vào chi phí (mức độ giảm cạnh tranh ước tính 7%).

Mở rộng buôn bán là để thúc đẩy bán hàng, quy mô sản xuất lớn lên thì có hiệu quả hơn. Ta là nước có nền tảng nông nghiệp nhưng mới chỉ làm được khâu đầu của chuỗi sản xuất nông sản với lối canh tác lạc hậu, khai thác cạn kiệt môi trường. Đến chăn nuôi heo cũng để người ngoài đầu tư. Thức ăn chăn nuôi cũng người ngoài chiếm lĩnh.

Công nghiệp của Việt Nam giờ chủ yếu là gia công. Khi đó TPP hay RCEP cũng đều thuận lợi cho mô hình này. Đó chỉ là lợi ích ngắn hạn và trước mắt. Tất cả các ngành công nghiệp cơ bản từ luyện kim, cơ khí chế tạo đến điện, điện tử ta đều ở trình độ rất sơ khai. Công nghiệp phần mềm ta nghĩ có lợi thế trí tuệ nhưng ra thế giới mới thấy ta cũng chỉ có tầm hạn chế.

Xu thế toàn cầu hoá đã thúc đẩy thế giới phát triển mạnh mẽ. Nước Mỹ hùng mạnh giờ lại thu mình để muốn “vĩ đại trở lại”. Xu thế giống một dây cao su kéo giãn đến lúc phải đàn hồi trở lại nếu không muốn đứt. Việt Nam là một nước nhỏ nhưng đông dân vừa phải trông chờ một sân chơi lớn hơn, vừa phải chăm chút cho sân nhà của mình. Chơi với người thì cũng phải sánh vai thì mới bình đẳng về lợi ích.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *