Góc nhìn 11/11/2020 16:07

Nếu ông Biden làm Tổng thống Mỹ sẽ ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Việt Nam

Điều quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực của Việt Nam, của tinh thần tự cường, tự chủ và dựa trên chiến lược lâu dài, tinh thần hợp tác để duy trì quan hệ thương mại kinh tế trong mối quan hệ với các nước, trong đó có Mỹ.

Lê Duy Bình

Giám đốc điều hành Economica Vietnam

Để đưa ra nhận định, phán đoán tác động đối với nền kinh tế Việt Nam khi ông Joe Biden lên làm Tổng thống Mỹ thì cần đặt trong chiều dài lịch sử quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Sau gần 3 thập niên bình thường hóa quan hệ, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng phát triển toàn diện, trong đó quan hệ thương mại đầu tư không ngừng được cải thiện.

Chúng ta đã chứng kiến nhiều lần thay đổi về Đảng cầm quyền ở Mỹ, nhưng nhìn chung về tổng thể, hầu hết thời Tổng thống nào cũng dựa trên trên nền tảng quan hệ đối tác, hợp tác tin cậy về kinh tế thương mại đầu tư giữa hai nước. Điều này được thể hiện qua mức tăng trưởng ngoạn mục về thương mại, đầu tư giữa hai nước trong những năm trở lại đây. 

Tôi cho rằng sắp tới xu hướng quan hệ kinh tế giữa hai nước vẫn được duy trì tích cực.

Gần đây Mỹ đã công bố Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) và chiến lược này sẽ tiếp tục duy trì trong nhiều thập kỷ tới. Bất kỳ Tổng thống thuộc đảng phái nào tại Mỹ cũng sẽ duy trì chiến lược này. Hơn nữa trong bối cảnh hiện nay, vị thế của Việt Nam ngày càng tăng lên trong việc thu hút đầu tư, thương mại từ các quốc gia trên thế giới.

Vừa qua, các chuyên gia bàn luận khá nhiều về chủ đề “chuỗi cung ứng” - một vấn đề mấu chốt trong cuộc đua trở thành Tổng thống Mỹ giữa ông Donald Trump và ông Joe Biden.

Trong suốt quá trình vận động tranh cử, ông Biden đã liên tục nhấn mạnh rằng Mỹ cần "gia cố chuỗi cung ứng" của mình, nhất là khi Covid-19 đã phơi bày hàng loạt điểm yếu của nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Ta thấy rằng, nếu ông Trump đã đặt ra tiền đề ban đầu và kích hoạt cho việc dịch chuyển chuỗi cung ứng, thì ông Joe Biden vẫn tiếp tục xu hướng này do những lợi ích của chính nền kinh tế Mỹ. Sự khác biệt có thể ở chỗ cách thể hiện của ông Biden sẽ “mềm mỏng” hơn.

Việc thiết lập lại chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục được duy trì, nếu Việt Nam tận dụng tốt cơ hội sẽ tiếp tục hưởng lợi. Như chúng ta đề cập rất nhiều thời gian qua, Việt Nam cực kỳ có lợi thế khi kiểm soát tốt dịch Covid-19, là một điểm đến an toàn của nhà đầu tư trong quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng. 

Một số chuyên gia kỳ vọng việc Biden khôi phục lại Hiệp định thương mại TPP (nay là CPTPP) mà ông Trump đã loại bỏ 4 năm trước. Tuy nhiên, tôi đánh giá cơ hội này không quá cao dù ông Biden có quan điểm cởi mở về tự do thương mại.

Khác với ông Trump, khi tranh cử, ông Biden cho thấy sự ủng hộ tự do hoá thương mại toàn cầu, giảm bớt các chính sách bảo hộ. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá trông chờ việc Mỹ quay trở lại CPTPP. Trong khi đó, Việt Nam cũng đã ký rất nhiều hiệp định thương mại, việc cần làm là cần “tận dụng tốt” những hiệp định đã ký.

Một vấn đề lớn khác được nhiều người quan tâm, đó là vấn đề thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ liên tục tăng cao. Liệu vấn đề này có được chú ý trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ, theo quan điểm của tôi “có thể sẽ có nhưng chúng ta kỳ vọng vào sự mềm mỏng, nhẹ nhàng hơn”.

Dù ai làm Tổng thống Mỹ thì thì họ vẫn vẫn đặt lợi ích Mỹ lên trên hết. Điều quan trọng theo ông Bình đó là Việt Nam phải chủ động, kiểm soát được các rủi ro, các biện pháp xử lý. Nhìn chung, điều quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực của Việt Nam, của tinh thần tự cường, tự chủ và dựa trên chiến lược lâu dài, tinh thần hợp tác để duy trì quan hệ thương mại kinh tế trong mối quan hệ với các nước, trong đó có Mỹ.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *