Góc nhìn 27/05/2019 10:48

“Nhà nước dưới đất” thật khác “Nhà nước trên cây”

Điều đáng sợ nhất với các người kinh doanh tại Việt Nam có lẽ không phải là sự phiền hà của thủ tục hành chính, cơ chế xin cho nặng nề mà là rủi ro.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI

Một doanh nghiệp ở Thái Nguyên kêu về việc vừa đầu tư và hoàn thành một dự án nhà máy nước với số vốn đầu tư là 13,2 tỷ đồng, cung cấp nước cho các cơ quan, doanh nghiệp và 3.500 hộ dân. Họ đã hoàn tất toàn bộ thủ tục đầu tư trong đó có thủ tục thuê đất đến 2030 vào cuối năm 2017 thì ngày 4/5/2019 vừa rồi nhận được thông báo thu hồi của chính quyền để thực hiện một dự án nhà ở khác.

Một doanh nghiệp khác ở Gia Lai kêu cứu vì bị cưỡng chế thu hồi 6.400 m2 đất tại trung tâm Pleiku. Lúc đầu tỉnh định thu hồi để giao cho Tập đoàn tư nhân lớn nhưng vì DN khiếu nại Bộ Tài nguyên & Môi trường và quy trình chưa đúng nên tỉnh buộc phải rút lại văn bản. Nhưng nhanh chóng sau đó lại tiếp tục ra văn bản thu hồi để buộc bàn giao mặt bằng cho Trung tâm phát triển quỹ đất của thành phố.

Cách đây ít lâu dự hội thảo tại một tỉnh, giờ giải lao có chủ DN lên gặp dấm dúi gửi một bộ hồ sơ kêu cứu vì dự án doanh nghiệp mất bao nỗ lực và tiền của có được nhưng khi vị Chủ tịch tỉnh nhiệm kỳ đó rời, lãnh đạo khác lên thì dự án bị gây khó, tắc, đổ bể, nguy cơ mất hàng chục tỷ.... Đằng sau sự khó khăn này thấy bảo có một dự án khác to hơn, lớn hơn đang chờ sẵn.

Còn hôm trước, tại hội thảo về đầu tư tư nhân trong lĩnh vực dịch vụ công có một chủ doanh nghiệp tiên phong đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ khoa học công nghệ nói rằng, bỏ ra một núi tiền nhưng chỉ cần một văn bản pháp luật, luật, nghị định hoặc thậm chí có thể chỉ là thông tư cấp bộ, là doanh nghiệp có thể mất việc, ra đường chỉ sau một đêm...

Đến hôm nay, tôi lại nhận một đơn kiến nghị tập thể của 21 doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh ở Đông Anh, Hà Nội. Họ vốn là nông dân nhường đất cho công nghiệp, theo chủ trương khuyến khích chuyển đổi nghề nghiệp, họ chủ động ra kinh doanh buôn bán ở khu nhà ở công nhân ở Kim Chung.

Họ đã ký hợp đồng thuê mặt bằng với Xí nghiệp quản lý và phát triển nhà ở xã hội thành phố. Họ mạnh dạn vay vốn, đầu tư kinh doanh dịch vụ cho công nhân, trầy trật tồn tại từ 2011 đến 2017. Hiện nay bắt đầu khởi sắc “chút đỉnh”, thì Sở Tài chính có văn bản phê duyệt giá sàn và yêu cầu đấu giá mặt bằng họ đang kinh doanh.

Sàn giá mới được áp đặt tăng đến 500% giá họ phải trả hiện nay và tiền thuê yêu cầu trả một lần cho cả thời kỳ hợp đồng. Họ hiểu đây là đuổi họ đi vì không có cách nào tồn tại được với điều kiện mới cao chót vót thế này.

Đơn thư kêu khắp nơi vì vốn đã trót vay ngân hàng, chưa thu hồi được đến 30%. Thật ngậm ngùi khi trong đơn liệt kê đủ hết phát biểu của Tổng Bí thư, nội dung nghị quyết của Chính phủ và kể cả kế hoạch phát triển DN của thành phố Hà Nội với bao ngôn từ và cam kết tốt đẹp.

Nôm na như đồng bào dân tộc, đôi khi "Nhà nước dưới đất" thật khác "Nhà nước trên cây" (vốn là nơi treo loa phóng thanh).

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *