Góc nhìn 16/05/2019 02:49

Chiến tranh thương mại

Trong mấy ngày gần đây, có rất nhiều tin tức xoay quanh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Nhiều bạn bè, nhà báo, khách hàng, đều hỏi ý kiến của cá nhân tôi về vấn đề này.

Nguyễn Hồng Điệp

Chuyên gia chứng khoán

Tôi sẽ nêu ý kiến thật ngắn gọn.

1. Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là không thể tránh khỏi. Với qui mô hiện nay, nền kinh tế Trung quốc đã có qui mô rất lớn, tương đương 60% so với Mỹ. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc khoảng 6%-7% / năm. Nếu so với Mỹ, chỉ khoảng 2% / năm, thì việc Trung Quốc sẽ trở thành nước đứng đầu thế giới là viễn cảnh không xa. Ngoài những bất đồng về thể chế chính trị, nước Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận điều này.

Đã từng xảy ra trường hợp tương tự trong quá khứ với Nhật Bản. Đừng nói là do Tổng thống Trump, bất kỳ Tổng thống nào cũng sẽ phải hành động để chặn đứng đà tăng trưởng của "ngáo ộp" Trung Quốc. Cho nên sẽ không có hòa hoãn. Cuộc chiến này sẽ phải xảy ra.

2. Chiến tranh xảy ra, cả hai đều bị ảnh hưởng, kẻ sứt đầu, người mẻ trán. Thế nhưng một khi không có con đường nào khác, bắt buộc phải chấp nhận.

Mỹ đã chuẩn bị khá lâu, tách dần tầm ảnh hưởng khỏi Trung Quốc. Cho nên, với tiềm lực của mình, Mỹ có thể sẽ bị ảnh hưởng, nhưng họ sẽ vượt qua được. Còn Trung Quốc thì khác. Khả năng tăng trưởng Trung Quốc sẽ chậm lại, về 6%, 5%, 4%, 3%, thậm chí giảm sốc. Trung Quốc không hề muốn "hạ cánh cứng", nhưng có lẽ điều này không còn phụ thuộc vào ý chí của họ nữa rồi.

3. Việt Nam sẽ ra sao? Việc ứng xử của lãnh đạo cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến định hướng kinh tế quốc gia. Trung Quốc sát bên cạnh Việt Nam. Cái bóng quá lớn, ảnh hưởng quá sâu rộng. Việc xoay trục xem ra đã quá muộn. Chắc chắn Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nhiều nếu Trung Quốc khủng hoảng sốc.

Tuy nhiên, câu chuyện ngắn hạn lại hơi khác. Việt Nam có thể sẽ có những cơ hội nhất định. Dòng tiền "cuống cuồng" tìm nơi đầu tư mới, sẽ đổ vào Việt Nam trong ngắn hạn. Dù mục đích là đầu cơ, nhưng chí ít cũng cover được phần nào sự xuống dốc của bản chất nền kinh tế. Có những dấu hiệu cần chú ý: đầu tư tăng cao, lạm phát sẽ cao, lãi suất được đẩy lên. Ngắn hạn sẽ hưng phấn, nhưng dài hạn sẽ phải trả giá.

4. Thị trường chứng khoán sẽ hưởng lợi? Như đã nói, câu chuyện ngắn hạn là tốt. Rõ ràng, sẽ có dòng tiền fresh. Thị trường sẽ được bơm lên, trùng với mong muốn "nâng hạng thị trường", tạo hình ảnh và tiếng vang cho chứng khoán VIệt Nam. Cơ hội này sẽ xuất hiện trong 2 năm tới. Sau đó thì lại là câu chuyện bản chất gốc của kinh tế Việt Nam. Nếu những tay chơi lớn quốc tế, những nhà đầu cơ, đang nhăm nhe cơ hội nhảy vào, thì chúng ta cũng nên xem xét.

Chiến tranh thương mại là không thể tránh khỏi. Chúng ta phải chấp nhận nó, đón chờ nó, sống cùng với nó trong khoảng thời gian dài. Quan trọng là có tận dụng cơ hội được không. Hãy kiên nhẫn, đừng bỏ cuộc.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *