Dòng chảy vốn 15/12/2013 20:51

Tăng trưởng kinh tế đang thoát khỏi vùng đáy

FICA - Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư, tăng trưởng kinh tế trong năm 2014 vẫn phải dựa vào tài nguyên và vốn khiến sức cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng rất thấp.

Trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời ngày 15/12, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, tăng trưởng kinh tế đang thoát khỏi vùng đáy của thời kỳ suy giảm. Tuy nhiên, để hồi phục hoàn toàn và đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững thì vấn đề cải thiện năng suất và hiệu quả của khu vực doanh nghiệp nội địa vẫn là thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách.

Vẫn phải dựa vào tài nguyên và vốn

Tăng trưởng của kinh tế Việt Nam nhiều năm qua dựa vào hai nguồn lực chính là khai thác tài nguyên thô và đầu tư công. Những nguồn lực này đang một mặt bị cạn kiệt và mặt khác bị siết chặt. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh vẫn cho rằng, năm 2014, tăng trưởng kinh tế vẫn phải dựa vào những nguồn lực này.

"Đúng là nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua dựa nhiều vào yếu tố tài nguyên cũng như yếu tố vốn. Trong những năm qua những nhân tố tác động đến tăng trưởng GDP của Việt Nam, lao động chiếm 25,5%, vốn chiếm tới 57,54% và chỉ tiêu về chất lượng là năng suất tổng hợp (TFP) chỉ chiếm 16,25%. Nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào vốn, tài nguyên. Năng suất lao động của chúng ta rất thấp", ông nói.

Bộ trưởng cho biết, tại các nước khác, trong cùng thời kỳ 2001-2010, tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc có tới 51,32% là do TFP mà TFP đó là năng suất tổng hợp, thể hiện tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại, quản trị hiện đại góp phần tăng GDP, trong khi đó cùng thời điểm đó Việt Nam TFP chỉ có 19,5%. Có nghĩa là nền kinh tế của chúng ta dựa quá nhiều vào tài nguyên và vốn như vậy sức cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng rất thấp.

Con người là nhân tố lâu dài

Bộ trưởng cũng thừa nhận, đúng như các chuyên gia và doanh nghiệp đặt câu hỏi. Khi vốn đang siết chặt lại, đầu tư công giảm đi, rồi tài nguyên ngày càng cạn kiệt, Việt Nam tăng trưởng bằng cái gì? Riêng năm 2014 và 2015, chúng ta vẫn đang dựa vào tài nguyên và vẫn phải dựa vào vốn. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn không thể tăng trưởng theo cách đó được.

 Bộ trưởng khẳng định, vì tài nguyên như than, dầu khí, quặng sắt và tất cả tài nguyên khác rồi sẽ đến lúc cạn kiệt. Cho nên tài nguyên lớn nhất của Việt Nam đó là con người.Tuy vậy, ở Việt Nam đặt ra nói nhân tố con người là nói lâu dài. "Chúng ta phải dùng tài nguyên con người-tài nguyên quan trọng và quý báu nhất để tăng trưởng. Đó là sự năng động, trí thông minh, sự sáng tạo của nhân lực Việt Nam thì mới đổi mới được đất nước", ông nói.

Theo Bộ trưởng, trước mắt năm 2014 là chúng ta vẫn phải dựa vào vốn, vẫn phải dựa vào tài nguyên, đây là điều chắc chắn để tăng trưởng để có thể đạt được mục tiêu là 5,8% và năm 2015 là khoảng 6-6,2%.

"Nhưng có một điều, chúng tôi muốn nói là chúng ta phải thực hiện ngay trong năm 2014 là cải cách thể chế. Một trong những cải cách quan trọng nhất là tạo ra khung khổ pháp lý cho lĩnh vực tư nhân và các lĩnh vực kinh tế khác ngoài nhà nước tham gia vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tham gia vào phát triển kinh tế, cung cấp dịch vụ công cho đất nước-mảng mà chúng ta đang để lãng phí", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Doanh nghiệp phải định hướng lại

Bộ trưởng cho rằng, hiện nguồn tiền cho doanh nghiệp vay không phải không có, trong ngân hàng vẫn dư. Làm sao doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp.

Thành lập công ty VMC-mua bán nợ xấu của tổ chức tín dụng, bước đầu giải quyết khoảng 130-150 nghìn tỷ đồng. Nhưng phải chuyển thành mua bán nợ xấu này để cắt đứt được nguồn các doanh nghiệp khó khăn để họ có đủ điều kiện để tiếp cận với nguồn lực mới. Đó là cái rất quan trọng.

Điều thứ hai là các doanh nghiệp phải xác định lại định hướng kinh doanh của mình trong điều kiện mới. Tìm kiếm và xác lập thị trường ổn định và chọn lựa được sản phẩm mũi nhọn của mình để có đầu tư hiệu quả và dứt điểm, có sức cạnh tranh. Và một trong những giải pháp quan trọng là dứt khoát phải đưa khoa học công nghệ thành động lực chủ yếu trong tăng trưởng.

Nói cách khác là TFP phải tăng lên, nghĩa là năng suất lao động tổng hợp kể cả năng suất lao động đơn thuần, năng suất sản phẩm và đặc biệt là quản trị doanh nghiệp hiện đại, hàm lượng khoa học công nghệ trong mỗi sản phẩm phải tăng lên. Trong đó, khoa học công nghệ là cứu cánh cho mỗi doanh nghiệp. Và chỉ cạnh tranh nhau được bằng khoa học công nghệ. Cho nên, muốn năng suất lao động tăng, cạnh tranh thì khoa học công nghệ và quản trị là vấn đề quyết định của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Muốn tăng trưởng phải cho tư nhân vào

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, có nhiều lĩnh vực tư nhân có thể tham gia vào. Không chỉ tư nhân trong nước mà cả tư nhân nước ngoài. Và đấy là cửa mở rất quan trọng nếu Việt Nam muốn tăng trưởng mạnh hơn cho năm 2014 và những năm tiếp theo.

"Trong trung và dài hạn, để đất nước phát triển, phải đưa tư nhân hóa tham gia vào nền kinh tế. Như vậy tạo ra nhiều công ăn việc làm, tạo cơ hội cho mọi người tham gia vào cung cấp dịch vụ công và đầu tư sản xuất kinh doanh", ông nói.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng khẳng định, chúng ta phải cổ phần hóa bớt khu vực doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước chỉ giữ lại lĩnh vực quan trọng, then chốt chưa cho tư nhân được đầu tư. Mỗi nước có một quy định khác nhau. Nên tôi cho rằng, trừ lĩnh vực thuộc bí mật quốc gia, quốc phòng an ninh, lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm như thuốc nổ, chất độc hại nguy hiểm thì nhà nước không cho sản xuất. Còn lại thì không cái gì nên cấm cả.

"Còn chuyện tới đây Nhà nước cổ phần hóa, sẽ có bao nhiêu loại doanh nghiệp giữ 100% vốn nhà nước, bao nhiêu doanh nghiệp giữ lại 65%… Đấy là tiến trình cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước thôi, nhưng nhà nước phải nhanh chóng thoái vốn khỏi tất cả lĩnh vực mà tư nhân làm tốt hơn, như khách sạn, nhà hàng", ông cho biết.

Bộ trưởng nói: "Hay lĩnh vực mà cứ tưởng rằng nhà nước chỉ độc quyền thì bây giờ cho tư nhân tham gia. Ví dụ trong giáo dục đại học, trung học, mầm non y tế. Nguồn lực ấy và trí tuệ ấy của nhiều con người cùng làm thay vì bây giờ họ không làm. Có hai vấn đề là nhà nước phải nhanh chóng cổ phần hóa và thoái vốn. Cái này có lịch trình rồi, đến 2015 về cơ bản cổ phần hóa nhiều tập đoàn, doanh nghiệp, tổng công ty".

Theo ông, Nhà nước chỉ giữ lại khoảng 8 tập đoàn lớn. Nhưng trong tập đoàn lớn chỉ giữ tên thôi, còn các công ty trực thuộc sẽ cổ phần hóa. Một khi cổ phần hóa, thì vốn của Nhà nước nắm giữ ít và dần dần có thể rút bớt nữa. Vấn đề thứ hai là tiếp tục tạo khung khổ pháp lý mới để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận sòng phẳng với tài nguyên giống như doanh nghiệp nhà nước.

"Đấy chính là cải cách thể chế và là vấn đề quan trọng và thiết yếu cho nền kinh tế Việt Nam không chỉ năm 2014-2015 mà là cho trung và dài hạn. Và chỉ có con đường này kinh tế Việt Nam mới phát triển mạnh mẽ và lâu dài được", người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết luận.

Phương Dung

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *