Dòng chảy vốn 15/12/2013 13:45

Thất bại của Vinashin và chuyện hành chính làm tái cơ cấu

“Ở các nước người ta rất coi trọng các tổ chức, chuyên gia tư vấn giúp cho lãnh đạo chính phủ có thể đề ra những phương án khả thi. Chúng ta thì dựa vào cả hệ thống hành chính của các bộ trong khi họ đã ngập vào những việc hàng ngày thì làm sao mà có thể giải quyết những vấn đề trọng điểm như tái cấu trúc Vinashin, Vinalines được?”.

 

GS.TSKH Nguyễn Mại đã nói như vậy để lý giải vì sao qua mấy năm rồi câu chuyện tái cấu trúc Vinashin lại chuyển từ việc đã duyệt phương án tái cấu trúc tập đoàn Vinashin đến tháng 10 vừa rồi Chính phủ lại giải tán tập đoàn ấy, trở về tổng công ty.

Bộ máy hành chính làm tái cơ cấu

Khi phân tích về cơ hội và thách thức trong tiến trình tái cơ cấu, TS Nguyễn Đình Cung, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương đã chỉ ra nhiều điểm lo ngại.

Theo ông Cung, tái cơ cấu đầu tư công đang được thực hiện nhưng kết quả đạt được cho đến nay không được như mong đợi, nền kinh tế tiếp tục trì trệ và suy giảm, tăng trưởng chưa được phục hồi. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: cổ phần hóa rất chậm và thoái vốn thì thực sự khó khăn. Tiêu chí cách thức bảo toàn vốn chưa phù hợp với thị trường, chưa đúng tinh thần tái cơ cấu.

Các DNNN thì có vẻ như chỉ bán để cắt lỗ chứ không phải để tái cơ cấu kinh tế. Vẫn chưa áp đặt được đầy đủ nguyên tắc thị trường.

Việc tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước, Đề án đã xác định sẽ định vị lại vai trò và thu hẹp phạm vi kinh doanh của DNNN.

“Mặc dù Thủ tướng đã tuyên bố nhiều năm nay nhưng việc áp đặt đầy đủ nguyên tắc và kỷ luật thị trường đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hầu như chưa có chuyển biến, kể cả trong tư duy, quan niệm và hành động chính sách”, TS Cung nói.

Còn Ths Mai Thị Thu, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia cũng nhận định: mặc dù các bước cải cách doanh nghiệp nhà nước đã được thực hiện từ nhiều năm, nhưng tốc độ còn chậm và hiệu quả còn thấp. Vì thế, các chương trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cổ phần hóa doanh nghiệp cần phải được Chính phủ chỉ đạo và thực hiện nhanh và mạnh hơn trong năm 2014.

Nhìn nhận về sự ngập ngừng này, GS Nguyễn Mại phân tích: Năm 2008 Chính phủ lập ra nhóm điều hành bởi ông Nguyễn Sinh Hùng khi đó là Phó Thủ tướng cùng với các ông bộ trưởng, thứ trưởng. Sau đó các ông bận túi bụi.

Để rồi sau khi phê duyệt phương án tái cấu trúc tập đoàn Vinashin đến tháng 10 vừa rồi Chính phủ lại giải tán tập đoàn ấy, trở về tổng công ty. Mình cứ làm như vậy thì bao giờ mới có thể giải quyết được một tập đoàn mà đáng ra phải tái cấu trúc rất nhanh bởi lỗ tới 4 tỉ đô la Mỹ.

“Ngoài Vinashin, Vinalines thì vừa rồi EVN đổ vốn rất nhiều nhưng hiệu quả rất thấp hay như VNPT cũng có chuyện. Chúng ta có rất nhiều chuyên gia luật pháp, kinh tế, công nghệ nhưng không được tham gia vào quá trình tái cấu trúc kinh tế này, kể cả tái cấu trúc từng bộ phận”, GS Nguyễn Mại bức xúc.

“Ở các nước người ta rất coi trọng các tổ chức, chuyên gia tư vấn giúp cho lãnh đạo chính phủ có thể đề ra những phương án khả thi. Chúng ta thì dựa vào cả hệ thống hành chính của các bộ trong khi họ đã ngập vào những việc hàng ngày thì làm sao mà có thể giải quyết những vấn đề trọng điểm như tái cấu trúc Vinashin, Vinalines được”, ông Mại dẫn giải thêm.

Bài học từ General Motor

Dù thế nào thì chuyện tái cơ cấu vẫn phải làm bởi GS Nguyễn Mại cho rằng có rất nhiều DNNN chứ không phải chỉ có Vinashin và Vinalines.

“Câu chuyện doanh nghiệp nhà nước là chuyện đại sự. Không thể nghĩ rằng bán thốc ra thị trường chứng khoán rồi đến khi không thành công lại đổ lỗi cho thị trường chứng khoán thì không phải”, ông Mại nói.

Viện dẫn về trường hợp của General Motor, GS Nguyễn Mại cho rằng đây có thể là bài học cần làm với các DNNN đang có chuyện ở Việt Nam.

Nếu ai quan tâm đến cái lỗ của Chính phủ Mỹ khi tái cấu trúc General Motor năm 2008 sẽ thấy giống như lúc mình làm với Vinashin.

Với General Motor công bố vừa rồi cho thấy Chính phủ Mỹ phải mất 14,2 tỉ USD nhưng họ cho rằng việc làm đó là cần thiết. Lý do là khi Genaral Motor  tuyên bố phá sản, Chính phủ Mỹ đã vào cuộc và tổ chức một nhóm chuyên gia giúp General Motor cộng với việc đầu tư vào General Motor.

Chỉ sau 6 tháng, vụ việc của General Motor được giải quyết và sau đúng một năm General Motor trở thành công ty dẫn đầu thế giới kể cả về công nghệ, sản phẩm mới và lãi rất nhiều. Người ta cho rằng lỗ 14,2 tỉ là của Chính phủ nhưng lãi, thị phần, công nghệ lại là của General Motor  trên thế giới mang danh công nghiệp ô tô của Mỹ.

Trước nhiều lập luận về sự chưa đạt của việc tái cơ cấu, TS Cung đề nghị: “Xin Nhà nước đừng giảm thuế để cứu DNNN mà trước hết phải bãi nhiệm người lãnh đạo đó để dù khách quan hay chủ quan hãy để thị trường trừng phạt. Mọi động thái “cứu” của Chính phủ giảm thuế, giảm nợ đều khiến việc cố gắng tái cấu trúc khó thành công”.

Theo Bích Ngọc

Báo Đất Việt

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *